Cơ hội cho đầu tư lĩnh vực sản xuất thức ăn thủy sản và gia súc

Nhu cầu về thức ăn cho tôm nuôi trong thời gian tới tại Cà Mau là rất lớn, cần có nhà máy chế biến thức ăn tại địa phương nhằm cung ứng, giảm chi phí đầu vào cho người sản xuất.

Trên thực tế, mỗi năm tỉnh cần khoảng 200 ngàn tấn thức ăn nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, các tỉnh lân cận: Kiên Giang, Bạc Liêu, diện tích nuôi tôm tiếp tục tăng nhanh, nhu cầu về thức ăn cho tôm nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Đây là tình hình chung của nghề nuôi thủy sản các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, vì hiện nay phần lớn các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản tập trung tại các tỉnh miền Đông và TP. Hồ Chí Minh.

Với lợi thế có bờ biển dài, nguồn nguyên liệu từ khai thác biển đáp ứng cho nhu cầu chế biến đối với nhà máy thức ăn thủy sản, với khả năng mỗi năm trên 150 ngàn tấn; cùng với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp, Cà Mau kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản với công suất 100 ngàn tấn sản phẩm/năm, với tổng nguồn hơn 20 triệu USD trên phần diện tích dự kiến 2ha tại Khu công nghiệp Khánh An, huyện U Minh. Nếu được đầu tư, khả năng cũng chỉ đáp ứng 1/2 nhu cầu của tỉnh. Trong khi đó, Chương trình phát triển của ngành thủy sản tầm nhìn đến năm 2020 của địa phương sẽ tiếp tục mở rộng về diện tích, nhất là về nuôi tôm công nghiệp tập trung và nuôi tôm quảng canh cải tiến, cho thấy đầu ra của nhà máy chế biến thức ăn thủy sản ở Cà Mau sẽ có nhiều thuận lợi, phát triển mạnh trong thời gian dài.

Tại Khu công nghiệp Hòa Trung (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước), Cà Mau cũng đã kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản với công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm, nguồn vốn dự kiến khoảng 100 tỷ đồng. Đây là nhu cầu bức thiết, vì thực tế đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc tập trung có quy mô lớn tại địa phương, trong đó phải kể đến Công ty TNHH MTV Tô Thúy xây dựng trang trại nuôi heo thịt tại xã Khánh An, huyện U Minh với quy mô 5.000 con heo thịt/năm. Cũng tại Khánh An, Doanh nghiệp tư nhân Trần Cẩm Tú đã xây dựng trang trại nuôi heo thịt với quy mô tương tự. Quy mô hơn là trang trại nuôi heo bán công nghiệp của Công ty CP Việt Thái (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) với khả năng mỗi năm xuất chuồng 16.000 con.

Từ nhu cầu thực tế cũng như đáp ứng theo định hướng phát triển trong tương lai, việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là trên lĩnh vực chế biến thức ăn nuôi trồng thủy sản, gia súc đã thực sự trở thành cơ hội đầy tiềm năng trên vùng đất Cà Mau, với nhiều điều kiện thuận lợi, cả về chính sách khuyến khích đầu tư cùng nguồn nguyên liệu đầu vào, khả năng đầu ra, liền kề các thị trường đang có nhu cầu trong khu vực.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *