Nâng cao hiệu quả quản lý, chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Đồng chủ trì hội nghị có Trung tá Võ Văn Sử, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông Lê Thanh Triều và Phó Giám đốc Sở, ông Châu Công Bằng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra

Theo báo cáo tại hội nghị, từ ngày 23/10/2017 đến ngày 31/8/2020, tỉnh Cà Mau đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai thực hiện quyết liệt. Theo đó, tỉnh đã triển khai bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động ngư dân khai thác đúng theo quy định của pháp luật, không đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài (VBNN) khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, bắt buộc chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không khai thác vi phạm chủ quyền các nước.

Tuy nhiên, tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm VBNN để khai thác hải sản trái phép vẫn còn xảy ra.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, có 5 tàu cá/45 thuyền viên vi phạm VBNN bị bắt giữ và xử lý. Tính chung từ ngày 23/10/2017 đến nay, có 43 tàu/264 thuyền viên vi phạm VBNN bị bắt giữ, xử lý.

Về công tác tuyên truyền, vận động ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá, tính đến ngày 21/9, toàn tỉnh có 1.320/1.584 tàu cá đã lắp đặt (đạt 83,33%). Trong đó, số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên là 56/61 chiếc (đạt 91,8%), từ 15m đến dưới 24m là 1.260 chiếc. Ngoài ra, còn có 4 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15m tự nguyện lắp đặt.

Đến ngày 20/9, qua công tác điều tra, rà soát thì còn 264 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS. Nguyên nhân chưa lắp đặt, tính theo các nhóm tàu cá, cụ thể: Chưa điều tra được tình trạng, do chủ tàu và tàu hiện tại không còn ở địa phương hoặc nơi cư trú theo hồ sơ quản lý: 73 tàu; tàu cá đã sang bán: 57 tàu; tàu cá đang hoạt động: 54 tàu; tàu cá ngưng hoạt động: 80 tàu.

Tỉnh Cà Mau xử lý nghiêm việc phương tiện không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Nhiều khó khăn trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc khai thác hải sản

Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Lê Thanh Triều nhìn nhận: Tình trạng tàu cá vi phạm VBNN có giảm, nhưng vẫn còn xảy ra và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Phần lớn chủ tàu, thuyền trưởng đều hiểu khai thác thủy sản trên VBNN là vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi ích kinh tế trước mắt nên vẫn cố tình vi phạm và tìm cách che giấu khi tàu cá của mình bị bắt. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý của tỉnh nói riêng và công tác tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu nói chung.

Hội nghị cũng nhìn nhận còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc khai thác hải sản. Thời gian qua, đa số các doanh nghiệp mua sản phẩm từ các tàu cá không cập cảng cá chỉ định, một số ít từ các tàu cá có cập cảng, tuy nhiên khi đối chiếu lịch sử hoạt động trên biển thông qua giám sát hành trình với nhật ký khai thác thủy sản, phần lớn đều “không trùng khớp” nhau nên không thể xác nhận nguyên liệu thủy sản cho các doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp không thể xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ khai thác. Việc này làm cơ sở để chứng minh và xử phạt các hành vi tàu cá hoạt động sai vùng, sai tuyến, vùng cấm là rất khó, do tàu khai thác không cập cảng, tàu hậu cần không biết việc vi phạm của tàu khai thác…

Theo đó, hội nghị thảo luận, tìm giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi hành vi vi phạm VBNN của ngư dân.

Trung tá Võ Văn Sử, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh đề xuất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm thay đổi nhận thức của bà con ngư dân; đấu tranh ngăn chặn quyết liệt, khởi tố một vài vụ liên quan đến xâm phạm VBNN. Các ngành, các cấp cần phải vào cuộc quyết liệt và đồng bộ, chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Đối với những phương tiện tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm ven bờ thì chính quyền ở các xã, thị trấn ven biển cần vào cuộc sâu hơn nữa về khâu quản lý…

Tỉnh sẽ tiên phong thực hiện phần mềm quản lý liên thông tàu cá ra vào cửa biển

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, nhìn nhận công tác quản lý tàu cá còn nhiều khó khăn, bất cập cần được tập trung tháo gỡ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị các cấp, các ngành, địa phương quán triệt lại các chủ trương, quy định của Chính phủ về việc quản lý tàu cá. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới phương pháp và nội dung tuyên truyền.

Về công tác đăng ký đăng kiểm, cấp phép hoạt động tàu cá, toàn tỉnh hiện có 4.472 tàu thì có 1.880 tàu hết giấy phép hoạt động, phương tiện hết hạn đăng kiểm là 839/2.102 tàu. Nhưng các phương tiện này vẫn còn ra khơi hoạt động, qua đó cho thấy tình trạng quản lý tàu cá hiện nay còn lỏng. Thời gian tới cần thắt chặt hơn công tác quản lý tàu cá xung quanh việc đăng kiểm, cấp phép hoạt động, kiểm tra, kiểm soát.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, với nhóm tàu đủ điều kiện giải bản thì Sở NN&PTNT giải bản theo thẩm quyền. Nhóm tàu theo quy định của pháp luật chưa đủ điều kiện giải bản nhưng thực tiễn địa phương cần giải bản, thì Sở tham mưu, kiến nghị với Bộ NN&PTNT xem xét đề xuất sớm giải bản. Đới với nhóm tàu ngưng hoạt động, thì đề nghị xem xét lại quy định khi ngưng hoạt động có phải báo cáo với cơ quan quản lý hay không, để thông báo đến cơ quan quản lý kiểm soát được phương tiện này. Đối với số tàu đang hoạt động nhưng trễ hẹn đăng kiểm, chưa đăng kiểm thì cần phải kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo phương tiện hoạt động phải có giấy phép.

Đối với các phương tiện khai thác ven bờ, cần tổng điều tra số lượng phương tiện trên địa bàn. Phương tiện đã được cấp phép hoạt động, đến nay hết hạn thì cho đăng ký lại; còn phương tiện thuộc ngành nghề không được phép hoạt động mà đang khai thác thì Sở NN&PTNT cần tham mưu, đề xuất giải pháp với UBND tỉnh và không cho phát sinh phương tiện mới, hướng đến chuyển đổi ngành nghề.

Phó Chủ tịch tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi ngành nghề, qua đó lựa chọn mô hình hiệu quả để nhân rộng.

“Quan trọng là việc quản lý phương tiện có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Hiện nay vẫn còn một số lỗ hổng trong biện pháp quản lý, nên chưa kiểm soát được tàu vi phạm VBNN, và đây là vấn đề bức xúc nhất trong công tác gỡ thẻ vàng của nước ta. Tách công tác quản lý nhà nước và mối quan hệ dân sự giải quyết riêng. Cần căn cứ quy định của Nghị định 26, Nghị định 42 và Quyết định 07 để thực hiện lắp đặt, quản lý, kiểm soát và xử lý vi phạm thông qua giám sát hành trình VMS”, Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.

Đối với việc xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản, ông Lê Văn Sử chỉ đạo cần tiếp tục sử dụng hệ thống bến cá đang có để bốc dỡ hàng hóa phù hợp thực tế, đáp ứng được yêu cầu kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thủy sản. Sở NN&PTNT nghiên cứu hướng dẫn doanh nghiệp thu thập hồ sơ dữ liệu, thủ tục khi cập cảng, đảm bảo cho cơ quan chức năng chứng nhận nguồn gốc thủy sản mà đơn vị đã thu mua. Thông qua hướng dẫn, tiếp tục khẳng định với doanh nghiệp là không xác nhận, chứng nhận thủy sản khi không đủ điều kiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; đồng thời đồng ý để Bộ đội Biên phòng tỉnh thiết lập phần mềm quản lý liên thông quản lý tàu cá ra vào cửa biển. “Tỉnh Cà Mau sẽ tiên phong thực hiện phần mềm này; khi áp dụng vào thực tế có hiệu quả thì sẽ đề nghị 8 tỉnh liên kết với Cà Mau áp dụng thực hiện, để đảm bảo quản lý tốt phương tiện đánh bắt”, ông Lê Văn Sử thông tin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *