Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công: Mở ra trang sử phát triển của dân tộc Việt Nam

Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra những phương hướng và biện pháp đầu tiên nhằm đem lại quyền tự do cho nhân dân, đối phó với âm mưu và hành động của kẻ thù. Hai nhiệm vụ cấp bách nhất được đề ra lúc đó là cứu đói ở miền Bắc và kháng chiến ở miền Nam. Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” xác định nhiệm vụ chiến lược lúc này vẫn là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, vì trên thực tế cuộc cách mạng ấy vẫn đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành, vì nước ta chưa hoàn toàn độc lập. Để sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc giành được thắng lợi, nhiệm vụ trung tâm là củng cố chính quyền nhân dân. Trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp, cuộc tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thành công, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Cùng với việc xây dựng chính quyền nhân dân, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào tăng gia sản xuất, diệt giặc đói và diệt giặc dốt. Đặc biệt, để thoát khỏi “vòng vây đế quốc”, tránh tình thế phải đối đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thi hành những sách lược ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo, nhằm ngăn chặn chiến tranh, kéo dài thời gian hòa hoãn để xây dựng lực lượng cách mạng.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một công trình có ý nghĩa chính trị và tư tưởng vô cùng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của dân tộc Việt Nam đối với Bác. Ảnh: MAI THẮNG

Trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định thực dân Pháp là kẻ thù chính, trước mắt và nguy hiểm hơn cả, cần phải tập trung mũi nhọn đấu tranh vào chúng, vì chúng đã và đang trắng trợn dùng vũ trang xâm lược Nam Bộ. Chính vì vậy, chúng ta chủ trương hòa hoãn, nhân nhượng với Tưởng ở miền Bắc để tập trung sức chống thực dân Pháp ở miền Nam.

Với sách lược ngoại giao khôn khéo, sáng suốt, ta đã làm thất bại một bước quyết định âm mưu của Tưởng và tay sai, giữ vững và củng cố chính quyền.

Đảng ta lựa chọn con đường “hòa để tiến”, tạm thời hòa hoãn, có nhân nhượng cần thiết với Pháp trên nguyên tắc bảo đảm quyền tự chủ của dân tộc. Thực hiện chủ trương đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946. Với Hiệp định này, về pháp lý, Pháp đã công nhận nhà nước ta là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Việc quân Pháp vào miền Bắc cũng được quy định rõ về địa điểm, thời gian và số lượng.

Để thực hiện dã tâm xâm lược nước ta lần thứ hai, liên tiếp các ngày 17 và 18/12/1946, quân Pháp tiến hành khiêu khích và tàn sát đồng bào ta tại Hà Nội, chúng cắt đứt mọi liên hệ với đại diện Chính phủ ta, cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp lan rộng ra cả nước. Trước tình hình không còn cứu vãn được nữa, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã hoàn thành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, theo Hiệp định Giơnevơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam, Bắc với vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Từng can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương từ trước năm 1954, lợi dụng sự thất bại của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã trực tiếp nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam, âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, hòng ngăn chặn phong trào cách mạng ở Đông Nam Á. Chúng tiến hành lập chính phủ tay sai Ngô Đình Diệm, ngang nhiên phá hoại Hiệp định Giơnevơ, phá hoại cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước của nhân dân ta, tiến hành chiến lược “Chiến tranh đơn phương” nhằm thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, gây cho ta rất nhiều khó khăn, tổn thất.

Toàn cảnh cuộc mít tinh tại Nhà hát lớn tháng 8/1945. Ảnh: Tư liệu

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với sự giúp đỡ của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhân dân ta đã đập tan mọi chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán. Với chiến thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân quy mô lớn, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Âm mưu của đế quốc Mỹ biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và chia cắt lâu dài đất nước ta đã bị đập tan, đưa cả nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Đánh giá về những thành tựu của 30 năm đổi mới, Đảng ta xác định: Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa – xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *