Chuyển đổi nghề để phát triển an toàn hơn

Cần thắt chặt hơn trong khâu quản lý các phương tiện thủy nội địa ra khơi đánh bắt.

Chuyển đổi nghề có  thực sự khó?

Hộ chị Ngô Mỹ Hà ở Ấp 8, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, chuyên nghề đặt lú trên biển, được xem là hộ có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh bắt thủy sản ven bờ. Chị Hà cho biết: “Do nhà ít đất sản xuất, thêm 2 đứa con đi học, nên tranh thủ thời gian buổi chiều và tối, vợ chồng chạy vỏ ra biển đặt lú kiếm thêm thu nhập. Có đêm kiếm được 500 – 600 ngàn đồng, nhưng cũng có đêm thất thu”.

Cuộc sống đưa đẩy, gia đình chị từng gắn bó với “nghiệp biển” hơn 10 năm. Cách đây 3 năm, khi đang đặt lú trên biển, do trời tối, vỏ của anh bị một phương tiện khác tông phải, anh bị rơi xuống biển. Dù được các hộ đánh bắt gần đó tìm kiếm, cứu vớt đưa về chạy chữa kịp thời, nhưng khi qua cơn hoảng loạn, anh quyết định “lên bờ” tìm nghề khác chứ không dám mạo hiểm nữa. Với gần 0,5ha vuông nuôi tôm quảng canh không mang lại thu nhập, anh bàn với chị khoanh đầm để nuôi tôm công nghiệp. Còn chị Hà thì tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi chim cút. Chị Hà cho biết: “Một con chim cút mẹ mỗi ngày đẻ trứng một lần, những trứng này tôi không bán đi mà để lại, mua máy ấp về ấp để nhân giống. Từ vài cặp giống chim bố mẹ, giờ gia đình có vài chục cặp, trứng ấp không hết thì bán lại cho các hộ gia đình trong ấp cũng có thu nhập”.

Qua 3 năm triển khai thực hiện, đạt hiệu quả kinh tế, mô hình nuôi chim cút của chị Hà đã trở thành mô hình điểm điển hình cho chị em phụ nữ trong ấp. Giờ gia đình chị là điểm phân phối cút giống cho chị em khi họ cần nhân rộng mô hình. “Dù thu nhập không cao bằng nghề biển, nhưng tôi thấy cuộc sống ổn định, an toàn hơn, không còn lo sợ mỗi khi chồng đi biển một mình nữa”, chị chia sẻ.

Mô hình nuôi chim cút của gia đình chị Ngô Mỹ Hà (bìa trái) ở Ấp 8, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, cho thu nhập cao và được nhiều chị em trong ấp học hỏi, nhân rộng.

Cần giải pháp lâu dài

Không hẳn vì cuộc mưu sinh trong hoàn cảnh không còn con đường khác để có thu nhập, có trường hợp một số người dân ở tuyến biển xem việc đánh bắt ven biển là một nghề không thể thiếu và họ vịn vào đó để cho đây là công việc chính. Dọc theo các tuyến ven biển, nhà nào cũng có phương tiện đánh bắt gần bờ, khi thì câu mực mé, khi thì đặt lú, cào, lưới… Có những hộ cuộc sống khá giả, nhưng vẫn sắm phương tiện nhỏ để ra khơi đánh bắt, vì nghĩ đó là “của trời cho”, người ta làm được tại sao mình lại không? Chính những suy nghĩ này mà từ nhiều năm qua, hàng loạt phương tiện thủy nội địa “kéo nhau” ra biển khai thác, mà những con người trên đó không nghĩ đến hiểm nguy mỗi khi sóng to gió lớn xảy ra trên biển. Chưa kể đến những ngư dân còn dùng xuyệt điện để đánh bắt thủy sản, làm kiệt quệ nguồn tài nguyên biển…

Cần có biện pháp xử lý các phương tiện đánh bắt gần bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ông Võ Quốc Thống kiến nghị: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp lâu dài trong khai thác thủy sản ven bờ. Cần có những quy định rõ ràng về kích cỡ phương tiện được ra khơi khai thác, loại hình khai thác, mùa khai thác, có quy trình cải tạo và bảo dưỡng cho loài thủy sản tiếp tục sinh sản. Đặc biệt là phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

Đồng thời, theo ông Thống, các địa phương cần quản lý nghiêm hồ sơ các nhóm phương tiện được khai thác và nhóm phương tiện nào không được ra biển khai thác, từ đó thắt chặt khâu quản lý đăng ký, đăng kiểm. Song song đó, từng địa phương nên chủ động rà soát theo từng hộ rồi xây dựng kế hoạch, phương án để cho họ chuyển đổi nghề, đảm bảo cuộc sống.

Đã qua, từ thực tế cho thấy có rất nhiều phương tiện đánh bắt nhỏ chuyển đổi lên phương tiện đánh bắt có công suất lớn để vươn khơi khai thác và cho thu nhập cao. Cũng có nhiều hộ chọn lựa hướng đi khác, nhưng vẫn cải thiện được cuộc sống. Quan trọng là họ có dám thay đổi hay không? Và chính quyền địa phương có đủ điều kiện hỗ trợ để họ thay đổi?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *