Còn dịch còn hành động

Biến hội trường thành xưởng may, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trần Văn Thời đã mang món quà sức khỏe tặng nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Công sở thành xưởng may

Theo chân chị Phan Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện đến hội trường các khối đoàn thể của huyện – nơi các chị em đang tất bật cắt may những chiếc khẩu trang tặng hộ có hoàn cảnh khó khăn. Chị Hương nói vui: “Trong tháng 4 vừa qua, công sở đã được chị em Hội LHPN huyện làm thành xưởng may dã chiến. Những khúc vải chống thấm, lọc khuẩn đã được các chị phân chia cẩn thận. Cán bộ Hội trở thành những người thợ may bất đắc dĩ, các chị phấn khởi vì đã góp một phần công sức, thể hiện vai trò của tổ chức Hội trong công tác phòng chống dịch COVID-19”.

Tinh thần quyết liệt chống dịch đã mang một không khí thi đua sôi nổi trong hội viên phụ nữ huyện. Những chiếc khẩu trang được may là một hoạt động tiếp nối của hội viên phụ nữ trong thời điểm hiện tại. Kinh phí của hoạt động hơn 40 triệu đồng, được Ban Chấp hành Huyện hội vận động cán bộ Hội đóng góp. Nguyên liệu mang về được cắt, phân chia đến từng xã, thị trấn để tiến hành may, hấp diệt khuẩn. Những chiếc khẩu trang đó sẽ được về đến từng chi hội các khóm, ấp để chuyển đến tay của các hộ dân khó khăn. “Còn dịch là còn hành động”, chương trình góp phần thực hiện tốt “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

Từ Huyện hội, nguyên liệu may khẩu trang được chuyển đến 13 xã, thị trấn và phân chia về các tổ may. Tổng hợp hoạt động may khẩu trang từ khi dịch bệnh xuất hiện đến nay, các cấp hội phụ nữ tại huyện đã thành lập được 70 tổ với hơn 500 hội viên tham gia. Sau khi vận động được hơn 2.300m vải,  may được 43 ngàn cái khẩu trang, hiện nay, các tổ lại bắt tay may thêm 40 ngàn khẩu trang chống thấm lọc khuẩn. Chuyển từ may khẩu trang vải sang khẩu trang lọc khuẩn đòi hỏi hội viên tham gia phải tốn nhiều công sức hơn, từ việc vệ sinh sát khuẩn, kỹ thuật may, gắn nẹp mũi…

Chị Phan Thị The, tổ may khẩu trang tại ấp Kinh Hãng C, xã Khánh Hưng, cho biết chị và các hội viên bắt đầu công việc may khẩu trang từ 7 giờ sáng và chỉ kết thúc khi hết việc. Đặc biệt, những bữa có nhiều đơn vị yêu cầu cần khẩu trang gấp thì chị em lại quyết tâm may, khi nào hoàn thành hết số lượng yêu cầu mới ngưng công việc. “Có khi buông ra thì trời đã tối, tuy nhiên rất là vui, nếu hôm nào không có ai xin, nhận khẩu trang thì buồn lắm”, chị The chia sẻ.

Hơn 85 ngàn chiếc khẩu trang do hội viên tự nguyện đóng góp công may, vận động nguyên liệu, góp tiền bạc đã được chia sẻ tại huyện. Để làm được công việc ấy, cán bộ, hội viên phải tận dụng thời gian nghỉ, không có những ngày cuối tuần để vừa may, vừa phân phát. Gạt đi những vất vả, họ lại động viên nhau: “Hội vì mọi người, nụ cười nhận lại”.

70 tổ may tại các ấp, khóm hoạt động liên tục và cho ra đời hơn 85 ngàn khẩu trang trong đợt dịch COVID-19.

Thơm thảo những tấm lòng

Gia đình bà Đỗ Kim Phượng, Bí thư Chi bộ ấp Kinh Hãng C, xã Khánh Hưng, có 0,5ha đất vườn. Mái nhà lá thiếu chỗ lành lặn, những chỗ rách nhiều được xin vải, bạt phủ đỡ, vợ chồng bà Phượng lao động cả năm cũng không dư nhiều. Tích lũy mấy năm qua bà Phượng để dành được 2,5 chỉ vàng. Khó khăn là thế nhưng trong dịch COVID-19, bà Phượng mang góp hết cho quỹ ủng hộ công tác phòng chống dịch. Tiền dành dụm để mùa mưa lợp lại cái nhà đã không còn, tuy nhiên gia đình vẫn tiếp tục góp tiền hỗ trợ Chi hội Phụ nữ ấp Kinh Hãng C duy trì việc may khẩu trang hỗ trợ hộ khó khăn. Bà Phượng cho biết việc làm của bà được tất cả thành viên trong gia đình ủng hộ. “Nhà cửa sống tạm được, mai mốt tiếp tục làm rồi tích lũy, trước mắt cứ vì mọi người là thấy vui rồi”, bà Phượng bộc bạch.

Dịch bệnh bất ngờ kéo đến không chỉ làm xáo trộn đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân trên địa bàn xã nói riêng và tỉnh nói chung. Và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Huyền Yumi (xã Khánh Hải), do chị Trần Thị Huyền làm giám đốc cũng không ngoại lệ trước những biến động về thị trường, nhưng chứng kiến bà con của quê hương gặp cảnh khốn cùng, chị không đành lòng. Chị Huyền chia sẻ: “Không phải cứ đợi lúc giàu, lúc dư mới giúp đỡ người khác”. Để góp phần chung sức đẩy lùi dịch bệnh, giúp người nghèo vượt qua khó khăn, chị đã trích nguồn quỹ của công ty hỗ trợ hơn 60 triệu đồng để mua hơn 1 tấn gạo, hàng ngàn khẩu trang, hàng trăm phần nhu yếu phẩm hỗ trợ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Khánh Hải và thị trấn Sông Đốc. Chị Huyền cười hiền: “Những việc làm này xuất phát từ tâm nên mình không nghĩ gì hết, giúp người như giúp mình”.

Khẩu trang được trao đến nhiều bệnh nhân, hộ khó khăn tại huyện Trần Văn Thời.

Tấm lòng thơm thảo của những cá nhân đã tạo nên một ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19, chung tay vì cộng đồng. Tuy còn khó khăn trong đời sống, sản xuất, nhưng tinh thần nhường cơm sẻ áo “lá lành đùm lá rách”, mình vì mọi người lại được phát huy hơn bao giờ hết. Đơn giản chỉ vì họ biết trao đi nhưng không cần nhận lại. Tấm lòng thơm thảo ấy được đổi lại chính là sự an yên trong lòng, khi họ đã góp một phần sức nhỏ cho trận chiến lớn, cùng chống lại đại dịch của cả dân tộc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *