Dừng hỗ trợ kinh phí giảm tổng đàn heo thịt

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do giá heo hơi trong tỉnh cao hơn ngoài tỉnh (chỉ riêng từ cuối tháng 10/2019 đến nay, giá heo hơi ngoài tỉnh tương ứng với giá heo hơi trong tỉnh); tỷ lệ thịt nạc của heo hơi ngoài tỉnh cao hơn heo hơi trong tỉnh, nên thương lái ưu tiên chọn mua heo hơi ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, do số lượng heo trong tỉnh phân tán, nên các thương lái chọn thu mua heo hơi ngoài tỉnh tại các điểm thu gom tập trung với số lượng lớn, nhằm tiết kiệm chi phí tìm kiếm, thu gom, vận chuyển. Mặt khác, đa số các cơ sở thu mua và giết mổ heo tại địa phương có quy mô nhỏ lẻ, nên nguồn heo tại địa phương được thu mua và tiêu thụ không nhiều.

Giá heo hơi và sản phẩm thịt heo trên thị trường thời gian gần đây tăng cao. Ảnh: LÊ TUẤN

Ngoài ra, một số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn trông chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước và nuôi giữ heo chờ tăng giá nên chậm xuất bán heo sớm, dẫn đến việc triển khai thực hiện kế hoạch giảm tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra.

Trước đó, nhằm giảm thiểu thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi gây ra trên địa bàn, tỉnh Cà Mau ban hành kế hoạch giảm tổng đàn heo thịt và bảo vệ đàn heo giống để phục vụ tái đàn sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Theo đó, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thu mua và vận chuyển heo giết thịt trong tỉnh và hỗ trợ các cơ sở, hộ chăn nuôi xuất bán heo thịt 100.000 đồng/con (loại từ 75 kg/con trở lên); hỗ trợ kinh phí nuôi giữ giống heo nái 500.000 đồng/con; hỗ trợ tinh heo phối giống 4 liều/nái/năm (sau khi kiểm soát được dịch bệnh).

Tổng dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch gần 15 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ ngày 5/7/2019 đến khi kết thúc việc giảm đàn.

Theo thống kê, từ ngày 29/5/2019 đến nay, số lượng heo buộc phải tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi là trên 11.000 con; ước tính số tiền phải chi cho công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi hơn 53 tỷ đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *