Khi phụ nữ không còn là phái yếu!

Bài 1: Điểm sáng tổ chức Hội cơ sở

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội Phụ nữ, nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình hội viên, phụ nữ, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi đã tích cực chỉ đạo và cùng với các cấp Hội tập trung nguồn lực, đề ra nhiều giải pháp thiết thực và mang lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ hội viên nói chung và phụ nữ thuộc hộ nghèo nói riêng có điều kiện vươn lên thoát nghèo, theo hướng bền vững.

Điểm tựa của hộ nghèo

Năm học 2020 – 2021 gần kề, cũng là thời điểm các chị em thuộc Chi hội Phụ nữ ấp Tân Thành Lập tất bật công tác chuẩn bị đồng phục, tập vở cho học sinh nghèo trên địa bàn ấp. Cứ đến hẹn lại lên, bằng việc làm thiết thực, các chị đã tích góp tiền để giúp đỡ cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, chị Nguyễn Bích Phượng chia sẻ: “Thấy con em trên địa bàn ấp còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhiều cháu không có điều kiện đến trường, nên các chị em bàn với nhau gom rác thải bán gây quỹ lấy tiền hỗ trợ một phần kinh phí đầu năm học mới cho các cháu”. Bằng hình thức này, thời gian qua, Chi hội đã giúp cho rất nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường.

Chi hội ban đầu hoạt động chỉ có 1 tổ và 20 hội viên, qua công tác tuyên truyền, vận động, đến nay đã có 3 tổ với 72 hội viên phụ nữ tham gia. Tại các buổi họp định kỳ hàng tháng, các chị thường mang theo rác vô cơ theo để tập hợp, bán gây quỹ, chị em nào ở xa thì tự bán rồi mang phần tiền đó đến để góp vào. Bằng hình thức “tích tiểu thành đại”, mỗi tháng các chị có quỹ từ 100 – 300 ngàn đồng/tổ.

Theo chị Phượng, trong sinh hoạt hằng ngày, hộ nào cũng có rác thải nhựa, nhưng vì không có người hướng dẫn nên các chị cứ bỏ đại, đôi khi bỏ quanh nhà, khi nào có người mua mới gom lại, điều này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống. Nhưng từ khi tham gia vào Chi hội, thấy được lợi ích của việc giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, nhất là các em học sinh có thêm điều kiện đến trường, các chị ý thức hơn rất nhiều.

Em Trương Mỹ Linh hiện đang chuẩn bị vào lớp 7. Chị Phượng cho biết, hoàn cảnh của em vô cùng khó khăn, me bỏ đi khi em mới 4 tuổi, Linh sống với người cha không ổn định thần kinh, sống nhờ việc làm thuê. Thấy hoàn cảnh em khó khăn, Chi hội nhận đỡ đầu. Nhờ những tấm lòng hảo tâm và sự san sẻ yêu thương của các chị em trong Chi hội, Linh đã có điều kiện đến trường để theo học hết chương trình cấp 1, rồi vào cấp 2. Mỹ Linh chia sẻ: “Buổi nào không đi học, con phụ cha hái rau đi bán trong xóm, nghỉ hè thì con đi mò cua, bắt ốc để kiếm tiền chuẩn bị cho năm học mới. Con rất biết ơn các cô đã giúp con có điều kiện đến trường như chúng bạn”.

Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng to lớn, phần nào hỗ trợ cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Với năm học mới 2020 – 2021 này, chị Phượng cho biết, hiện tại quỹ hội đã gom được hơn 8 triệu đồng, chị em dự kiến sẽ tặng 15 bộ đồng phục, cùng với 15 phần quà là dụng cụ học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Hầu hết các em học sinh thuộc diện hộ nghèo đã được miễn tiền học phí, còn đồng phục phải tự mua. Với sự đồng hành của Chi hội Phụ nữ ấp Tân Thành Lập, đã phần nào giảm bớt gánh nặng cho các hộ nghèo trong việc lo cho con em đến trường mỗi dịp đầu năm học mới.

Chị Hoàng Thị Nhật, Chủ tịch Hội LHPN xã: “Không chỉ riêng ấp Tân Thành Lập mà nhiều chi hội khác cũng đã thực hiện có hiệu quả mô hình này. Chi hội Phụ nữ ấp Tân Bình đã tiết kiệm từ nguồn rác vô cơ giúp cho chị em khoan được cây nước; cho chị em mượn xoay vòng để mua hơn 30 bồn chứa nước để đảm bảo có nguồn nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày”. Hội LHPN xã còn phối hợp cùng UBND xã tặng 20 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi và 50 suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, tổng trị giá 40 triệu đồng. Hội đã vận động các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm tặng 1 suất quà và 60kg gạo cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, tặng 1 chiếc xe đạp cho hộ nghèo. Đồng thời, Hội Phụ nữ cùng Chi bộ ấp Tân Hiệp vận động quà và tiền mặt cho chị Nguyễn Thị Mừng là hội viên phụ nữ Tổ 1 có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền trên 13 triệu đồng để làm vốn phát triển kinh tế.

Nghề ổn định của chị em vùng nông thôn

Bắt đầu từ 7 giờ sáng, tổ may gia công của chị Tô Thùy Oanh (ấp Tân An) nhộn nhịp tiếng máy may, cùng tiếng cười nói của chị em. Tổ may gia công được thành lập từ năm 2018. Với mong muốn tạo việc làm cho lao động nữ tại địa phương, chị Oanh “mạnh dạn” đầu tư máy may, trong khi chị chưa biết gì về kỹ thuật may vá; với quyết tâm cao, chị lặn lội đi học nghề, tìm nguồn hàng về cho chị em may. Ban đầu chỉ có 4 máy, nhưng qua thời gian hoạt động, đơn hàng ngày càng nhiều, chị phải tuyển thêm nhân công và tăng lượng máy để phục vụ công việc. Đến nay, không chỉ riêng tổ may tại ấp Tân An, chị Oanh mở thêm chi nhánh ở ấp Tân Thành Lập, rồi Phường 9 (TP. Cà Mau) để các chị thuận lợi cho việc đi lại.

May gia công giúp chị em có thu nhập ổn định trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Chị Trương Ngọc cho biết: “Trước đây, khi chưa có tổ may gia công, tôi đi qua Cái Nước, Đầm Dơi để lột tôm. Bắt đầu đi từ 4 giờ sáng và khi về đến nhà là tối mịt, vì công việc đi xa nên khi về nhà là tôi mệt mỏi chỉ muốn nghỉ ngơi nên không có thời gian vun vén cho gia đình, mà thu nhập cũng chỉ có khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng. Từ ngày vào làm ở tổ may gia công, vốn có kiến thức về may vá nên tôi bắt nhịp rất nhanh. Tổ 7 giờ mới mở cửa, nên tôi có thời gian lo cho gia đình trước khi đi làm. Vào tổ, có rất nhiều tiện lợi, tôi vừa đỡ tốn chi phí đi lại, vừa có thời gian qua lại lo cho gia đình và đặc biệt thu nhập rất ổn định”. Chị Ngọc có 2 con, đứa lớn đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Cần Thơ, đứa nhỏ thì đang chuẩn bị vào lớp 11. Ngoài thu nhập từ nuôi tôm siêu thâm canh thì thu nhập từ may vá của chị đủ nuôi các con ăn học.

Tách ra từ tổ may chính, chị Trương Ngọc Thư (ấp Tân An) đã mở cho mình được tổ may riêng. Chị Thư cho biết: “Hiện tổ có 19 máy với 12 công nhân may chính. Nguồn may chính là nguồn hàng may gia công nhận ở Cà Mau, Sài Gòn. Trước đây, tổ có may nguồn hàng xuất sang châu Âu, thu nhập cao khoảng 200 ngàn đồng/người/ngày, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn hàng bị đứt, chị em hiện may gia công đồ bộ, đồ kiểu từ các đơn đặt hàng nhỏ”.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong khi nhiều công nhân đi làm xa ở các công ty gặp khó khăn vì nguồn hàng luôn thiếu hụt, thì ở ấp Tân An và nhiều điểm may gia công khác của chị Oanh, chị em luôn có thu nhập ổn định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *