Nhà ở đô thị – Nhu cầu và thực trạng các dự án

Kỳ 1: Cần siết chặt quản lý dự án nhà ở đô thị

Trong văn bản phát đi của Sở Xây dựng về thực trạng quản lý các khu nhà ở đô thị trên địa bàn TP. Cà Mau, ông Mã Minh Tâm – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tại thời điểm trước năm 2006, lựa chọn các chủ đầu tư cho các dự án không có quy định việc đánh giá năng lực thực hiện theo Nghị định 02/2006 của Chính phủ về ban hành quy chế khu đô thị mới. Theo đó, hồ sơ pháp lý các dự án đa số chưa thực hiện hoàn chỉnh theo quy định của pháp luật. Nhiều dự án, chủ đầu tư chỉ thuê tư vấn thực hiện ở bước lập dự án, thiết kế cơ sở rồi triển khai thi công.

Qua kiểm tra thực tế của Sở Xây dựng tại các khu nhà ở đô thị trên địa bàn cho thấy, đa số các dự án được thực hiện luôn trong tình trạng thiếu cán bộ kỹ thuật hoặc năng lực còn hạn chế, không nắm bắt được các văn bản chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng, tuy vậy hầu hết các chủ đầu tư lại đều sử dụng hình thức trực tiếp điều hành dự án. Từ đó, đã phát sinh những tồn tại kéo dài, làm phức tạp tình hình.

Dù được Sở Xây dựng đánh giá là “tiến độ triển khai khá tốt”, nhưng Khu nhà ở đô thị mới Licogi do Công ty TNHH MTV Licogi 9.1 có quy mô 71ha được phê duyệt từ 2005 đến nay, vẫn còn khá hoang vu

Những dự án… nửa vời!

Khu nhà ở đô thị Công nông II (Phường 7, TP. Cà Mau) với quy mô dự án 2,7ha được Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 tại Quyết định 73/1994. Có thời điểm, dự án được điều chỉnh lên 14ha, rồi giảm xuống còn 2,7ha, đến nay, chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển nhà chưa điều chỉnh ranh giới quy mô dự án để thực hiện. Hiện tại, dự án này chưa hoàn thiện mặt đường, hệ thống thoát nước chưa được kết nối. Các hạng mục công trình đã tạm ngưng thi công từ nhiều năm trước. “Xét điều kiện thực tế, chủ đầu tư không có khả năng bồi thường giải tỏa phần đất còn lại để tiếp tục triển khai dự án”, ông Mã Minh Tâm khẳng định. Được thực hiện từ năm 1996, Dự án cụm dân cư Phường 1, thị xã Cà Mau (nay là TP. Cà Mau) với quy mô 7,185ha, vì nhiều lý do mà mãi đến năm 2016, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Cà Mau chỉ quản lý được 3,382ha. Chưa xây dựng được hạng mục công trình, nhiều diện tích đang tranh chấp, tái chiếm, Công ty quyết định thực hiện thủ tục bàn giao lại dự án.

Dự án bị “kêu ca” nhiều nhất trong thời gian qua là Khu đô thị mới Hoàng Tâm tại ấp Bà Điều (xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau) do Công ty Thương mại địa ốc Hoàng Tâm làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của Dự án được giao 32,915ha đất tại Quyết định 73/2005 và Quyết định 129/2008 của UBND tỉnh. Tại Quyết định 80/2012 của UBND tỉnh, thời gian gia hạn sử dụng đất tại dự án này đến cuối tháng 12/2016. Tuy nhiên, đến nay, việc giải phóng mặt bằng chỉ đạt 85,7%, trong đó chỉ mới bồi hoàn 35,74ha/41,4ha theo phương án bồi hoàn giải phóng mặt bằng được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 980/2004.

Trước bức xúc của người mua nhà vào ở khi hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư hoàn thiện, tại Thông báo 952 được phát đi ngày 27/9/2016, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải về việc buộc nhà đầu tư phải hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở và hoàn thành toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 trong tháng 6/2017; chủ đầu tư là ông Nguyễn Hoàng Tâm cũng đã cam kết thực hiện theo ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên, đến nay Công ty cũng chỉ thực hiện được một vài phần việc, tiến độ thực hiện theo cam kết đang diễn ra rất chậm.

Dù đã bồi hoàn giải phóng mặt bằng đạt 47,4%, nhưng trước năng lực và ý thức chấp hành của chủ đầu tư tại dự án này quá kém, giai đoạn II của Dự án Khu đô thị mới Hoàng Tâm rộng hàng chục hecta đã bị tỉnh thu hồi. Cũng do năng lực yếu kém, chủ đầu tư này cũng đã bị thu hồi dự án Khu nhà ở đô thị tại Khóm 7, thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn).

Trong các Khu nhà ở đô thị, Khu đô thị mới Tài Lộc (xã Lý Văn Lâm,TP. Cà Mau) và Khu đô thị Minh Thắng (Phường 9, TP. Cà Mau) là có chuyển biến tốt nhất. Ảnh: Giai đoạn II Khu nhà ở đô thị Minh Thắng đang dần hoàn thiện về cơ sở hạ tầng.

“Mưu mẹo” để không bị thu hồi dự án

Đề cập vấn đề liên quan đến việc thu hồi khi dự án chậm triển khai, quá hạn so với luật định, ông Lê Tuấn Hải – Phó Chủ tịch UBND TP. Cà Mau cho biết, các chủ đầu tư này khi có thông tin sẽ bị kiểm tra thì lập tức gửi văn bản đến cơ quan nhà nước để xin giải quyết một số vấn đề nào đó của dự án: Xin điều chỉnh quy hoạch, xin hỗ trợ bồi thường, xin hỗ trợ đầu tư. Cơ quan nhà nước tiếp nhận thụ lý theo từng nội dung kiến nghị mà không xem xét tổng thể tình hình, diễn biến của dự án. Chính điều này đã dẫn đến dự án có phát sinh tình tiết mới tại thời điểm kiểm tra, từ đó rất khó xử lý thu hồi dự án thuộc trường hợp phải thu hồi. Vấn đề ông Hải nêu là thực tế, vì gần như dự án nhà ở đô thị nào cũng xin gia hạn, có những dự án xin gia hạn rất nhiều lần.

Chỉ ra hàng loạt những bất cập, kể cả những sai phạm trong quá trình thực hiện các quy định trong thực hiện các dự án nhà ở đô thị đang diễn ra trên địa bàn thành phố, ông Lê Tuấn Hải nhấn mạnh đến việc nhà đầu tư chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn kinh doanh được sản phẩm mà không bị chế tài. Một khi nhà đầu tư tuyên bố giải thể, phá sản, trong khi sản phẩm đất nền của dự án đã bán hết và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua, ai sẽ là người chịu thiệt? Đó là chưa nói đến việc phát sinh nhiều vướng mắc trong quản lý nhà nước, mà cụ thể là giai đoạn bàn giao các công trình cho Nhà nước…

Hàng loạt dự án nhà ở đô thị được triển khai rầm rộ với quy mô lớn mang theo bao kỳ vọng đối với người có nhu cầu. Chờ đợi qua nhiều năm, người có nhu cầu hay người đã “lỡ” vào ở hoặc mua nền trong các dự án phải thở dài ngao ngán. Đến nay, chính quyền thành phố chưa tiếp nhận quản lý một khu nhà ở đô thị nào vì tất cả chưa được hoàn thiện theo quy định. 

(còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *