Những người nối “nhịp cầu” thông tin

Cao Thúy Ái, cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước:

Cao Thúy Ái phỏng vấn ông Nguyễn Văn Minh tại ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân.

CHIA SẺ NHIỀU MÔ HÌNH KINH TẾ HIỆU QUẢ

Sở hữu dáng người thanh mảnh, nụ cười duyên, tính tình hòa đồng, Cao Thúy Ái là cô “phóng viên” trẻ được nhiều người dân trên địa bàn xã Lương Thế Trân quý mến. Cái duyên đến với nghề viết lách của Thúy Ái thật tình cờ. Đó là vào năm 2009, Ái đến nhà bạn chơi ở Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, thì biết hoàn cảnh em Huỳnh Bảo Trân bị bệnh tim bẩm sinh, rất đáng thương. Thúy Ái tiếp cận, nắm thông tin và viết bài về hoàn cảnh Bảo Trân, gửi cộng tác Báo Cà Mau. Lần đầu tiên viết bài, được đăng báo, Thúy Ái rất vui và đó là động lực để Thúy Ái gắn bó với công tác viết tin, bài đến nay.

Thúy Ái hiện là cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã, đồng thời phụ trách công việc viết tin cộng tác cho Đài Truyền thanh huyện và Trạm Truyền thanh xã từ năm 2010 đến nay, với 768 tin và 56 bài được đăng. Để có những tin, bài đáp ứng nhu cầu thông tin cho bà con, Thúy Ái không ngại khó về các ấp vùng sâu vùng xa, tiếp cận với bà con, ghi nhận từ chuyện đồng áng, làm đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, phổ biến kiến thức khoa học – kỹ thuật, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự… sau đó phát sóng kịp thời tin tức đến với bà con nhân dân.

Thúy Ái tâm sự: “Tôi thích viết về những mô hình kinh tế có hiệu quả để bà con tham khảo và vận dụng để phát triển kinh tế gia đình. Bởi ở xã, hằng năm chỉ có được một vài cuộc tập huấn về lĩnh vực này thì bà con sẽ khó vận dụng để đưa vào thực tiễn, nên tôi đã sưu tầm nhiều mô hình phát triển kinh tế hay của những hộ gia đình làm có hiệu quả để chia sẻ với bà con, với mong muốn bà con sẽ học hỏi, làm theo đạt hiệu quả, góp phần nâng cao mức sống cho người dân trên địa bàn. Tôi cũng thích viết về những mảnh đời bất hạnh để vận động cộng đồng cùng chia sẻ”.

Phan Thanh Năm, công chức văn hóa – xã hội, UBND Phường 1, TP. Cà Mau:

GÓP PHẦN ĐƯA ĐƯỜNG LỐI, CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC ĐẾN VỚI NGƯỜI DÂN

Được tập huấn lớp nghiệp vụ báo chí từ năm 2006, năm 2007 Phan Thanh Năm được phân công phụ trách công tác văn hóa – xã hội, viết tin, bài tuyên truyền tại Trạm Truyền thanh Phường 1 đến nay. Với 22 cụm loa (44 loa), nhiều năm trở lại đây, hệ thống truyền thanh trên địa bàn Phường 1 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, phục vụ nhu cầu thông tin cho hàng ngàn hộ dân trong phường. Từ ngày thành lập đến nay, Trạm Truyền thanh Phường 1 duy trì đều đặn, chính xác lịch tiếp và phát sóng.

“Phường 1 có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó có dân tộc Hoa, Khmer… Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các thông tin về y tế, giáo dục đến người dân, chúng tôi cũng rất quan tâm tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách mới của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc”, anh Năm cho biết.

Anh Nguyễn Văn Băng mong muốn được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng thời được hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ báo chí để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thông tin đến người dân.

Nguyễn Văn Băng, cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi:

MONG ĐƯỢC ĐẦU TƯ TRANG THIẾT BỊ, TẬP HUẤN CHUYÊN MÔN

Từ một cán bộ Đoàn năng động ở ấp, Nguyễn Văn Băng được Đảng ủy xã Trần Phán điều động về UBND xã, phụ trách công tác văn hóa – thông tin từ năm 2008 đến nay. Với vai trò vừa tập hợp thông tin và đọc phát thanh, anh có những “bí quyết” riêng để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thông tin đến với nhân dân.

Nói về công việc của mình, anh cho biết: Qua truyền thanh cơ sở, qua mỗi bản tin tuyên truyền đã truyền đạt được tinh thần các nghị quyết đến với người dân. Từ việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân, về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; về đề án xây dựng nông thôn mới và đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, cho đến việc cổ vũ, động viên và biểu dương các nhân tố điển hình, truyền thanh đều làm nhanh nhạy và đa chiều, có hiệu quả. Hằng ngày, những cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở phải xây dựng chương trình, kế hoạch, thời gian, làm phong phú bản tin bằng việc nêu lên những vấn đề mới phát sinh để tranh thủ ý kiến của nhân dân, chúng tôi đặc biệt lưu ý trong cách sử dụng từ ngữ, câu chữ để người dân dễ tiếp nhận.

“Những năm qua, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng nội dung chương trình sao cho phù hợp và hấp dẫn người dân. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất, các thiết bị máy phát của trạm được lắp đặt từ hàng chục năm trước, sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, không đáp ứng tốt được công tác truyền dẫn hiện đại. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thông tin đến nhân dân, chúng tôi mong muốn được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng thời được hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ báo chí để nâng cao tay nghề, phục ngày càng vụ tốt hơn nhu cầu thông tin cho nhân dân”, anh Băng chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *