Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Việt Phong chủ trì tại điểm cầu tỉnh Cà Mau và có tham luận tại tọa đàm.

Nhiều chuyển biến từ thực hiện Báo cáo số 244

Bám sát các giải pháp, nhiệm vụ được nêu trong Báo cáo số 244-BC/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa X) về “tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, những năm qua, công tác tuyên truyền miệng có nhiều chuyển biến.

Tại các kỳ hội nghị báo cáo viên, Ban Tuyên giáo Trung ương đã lựa chọn các nội dung chuyên đề, mang tính thời sự và mời các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, lãnh đạo các ban, bộ, ngành…làm báo cáo viên. 

Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo kịp thời phát hành các bản tin, đáp ứng tốt yêu cầu của Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy và đội ngũ báo cáo viên các cấp. Năm 2019, Trung tâm tham mưu tổ chức Hội thi “Báo cáo viên giỏi” toàn quốc, nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền miệng; ghi nhận đóng góp, tôn vinh đội ngũ làm công tác tuyên truyền miệng.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và chia sẻ những kinh nghiệm hay của địa phương, đơn vị; đồng thời thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp đối với cấp ủy đảng, Ban Tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên và các tuyên truyền viên cơ sở. Thông qua đó làm cơ sở đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Báo cáo số 244-BC/BTGTW.

Công tác tuyên truyền miệng của tỉnh không ngừng đổi mới

Riêng tỉnh Cà Mau, theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tỉnh có 340 báo cáo viên các cấp, trong đó có 5 báo cáo viên cấp trung ương, 49 báo cáo viên cấp tỉnh, 286 báo cáo viên cấp huyện và trên 1.000 tuyên truyền viên các cấp.

Đối với đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, mỗi đơn vị có từ 20- 30 báo cáo viên. Cấp xã, mỗi đơn vị thành lập Tổ Tuyên truyền viên có từ 5- 7 thành viên.

Để tăng tính thuyết phục trong tuyên truyền miệng, tỉnh đã mời các chuyên gia ở các bộ, ngành báo cáo, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế – xã hội; mời báo cáo viên báo cáo chuyên đề tại lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; mời cộng tác viên cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền.

Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện kết hợp tuyên truyền miệng với các phương thức tuyên truyền như: văn nghệ cổ động, cổ động trực quan…

Tham luận tại buổi tọa đàm với chủ đề “Vai trò của công tác tuyên truyền miệng trong phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh Cà Mau”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Việt Phong khẳng định, công tác tuyên truyền miệng của tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Đồng chí Phạm Việt Phong đề xuất Trung ương cần ban hành Chỉ thị mới thay cho Chỉ thị số 17-CT/TW phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể trong đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp. Kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền đối với những vấn đề phức tạp, được dư luận quan tâm để đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên kịp thời tuyên truyền, định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.Thường xuyên mở các lớp đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ về công tác tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp.Giải quyết chế độ, chính sách phù hợp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Đội ngũ làm công tác tuyên truyền cần nỗ lực hơn nữa

Kết luận buổi tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy ghi nhận, đánh giá cao việc đội ngũ báo cáo viên đã không ngừng nỗ lực, phát huy vai trò của công tác tuyên truyền miệng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, đồng chí Phan Xuân Thủy cũng cho rằng, công tác tuyên truyền miệng chưa thực sự phát huy hiệu quả trong tình hình hiện nay. Thời gian tới, đội ngũ làm công tác này cần nỗ lực trao đổi, học hỏi, nâng cao chất lượng tuyên truyền.

Đồng chí Phan Xuân Thủy cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và có chế độ đãi ngộ phù hợp cho lực lượng báo cáo viên; trang bị phương tiện, cung cấp thông tin kịp thời, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *