Với biển quê nhà!

1. Rời đi từ cửa biển Sông Đốc, tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) – “thành phố biển” miền Tây, con tàu Kiểm ngư của tỉnh chầm chậm tiến ra biển giữa đôi bờ là hàng tàu đánh cá đậu san sát trong một sáng đẹp trời. Ngoài cửa biển, tàu ra vào tấp nập, tạo nên nhịp sống tất bật, rộn ràng. Mùa này biển êm, từng con sóng nhỏ vỗ nhẹ, rì rào vào mạn tàu, dự báo một chuyến biển bình yên. Tàu rẽ sóng về phía tây, hướng lên vùng biển U Minh. Trông vào, từng vạt rừng thấp dần, những công trình kè hộ đê dần nhỏ lại, nhưng không khí xây dựng vẫn hiện rõ với những xà lan chở vật tư là những cọc ly tâm cao ngất, phương tiện thi công vươn cần. Và cách đó không xa, Hòn Đá Bạc mướt xanh nhô ra trên biển, tạo nên điểm nhấn tuyệt vời nơi tuyến bờ.

Tàu cách bờ gần 10 hải lý. Anh Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông báo lực lượng sẽ xuống canô để kiểm tra các tàu khai thác trong khu vực. Chỉ cần lướt qua phần mềm quản lý tàu cá khai thác trên biển bằng thiết bị điện thoại di động thông minh, anh Triều thông tin là có 19 tàu được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã mất kết nối mà không rõ nguyên nhân.

Canô gắn động cơ 200HP rời tàu lớn, lướt như bay trên ngọn sóng, lao nhanh về những vị trí đã được xác định trên tọa độ. Anh tài công tên Phước to con, lực lưỡng, rắn rỏi, xứng với người con của biển cả. Chỉ cần nói tọa độ, mặt biển bao la không biết đâu là bờ, nhưng nhìn hướng gió, hướng mặt trời, anh xác định được ngay vị trí cần đến, và cần tăng tốc cứ thế “đẩy” lên hết cỡ, vô lăng xoay liên tục. Anh Triều nói vui: “Ông Phước này trên biển chỗ nào cũng biết, nhưng lên bờ là lạc đường ngay”. Mà cũng chục năm làm nghề này rồi, thời gian sống trên biển của anh Phước nhiều hơn trên đất liền. Vì nhiệm vụ, anh cùng đồng đội ngược xuôi từ Đông sang Tây, bất kể thời gian, thời tiết, có lệnh là lên đường. Riết rồi thành quen. Đêm trên đất liền rất khó ngủ, nhiều khi anh phải nằm võng cho “lắc lư”, vì nhớ sóng.

Không xa bờ là mấy, nên vùng này toàn ghe câu mực, lưới rê, kể cả phương tiện thủy gia dụng cũng tham gia với nghề giăng lưới. Ngư dân hoạt động nơi đây chủ yếu “chạy” ra từ các cửa biển: Khánh Hội, Hương Mai, Tiểu Dừa (huyện U Minh). Gặp hai ngư dân với nước da đen vì nắng và gió biển đang kéo lưới trên vỏ composite, sử dụng động cơ Honda chỉ 5,5HP, mới thấy đời biển quá mong manh, cực nhọc. Trân mình ra trước cái nắng, cái gió giữa biển khơi, những con sóng cứ xô đẩy lắc lư, người tròng trành, mà trên vỏ không một áo phao. Khi gặp giông gió, tố lốc bất chợt, sẽ hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản là điều khó tránh khỏi. “Quen rồi, không sao đâu, bình thường vẫn vậy”, một ngư dân nói như quát trong cái tát của gió vù vù, thổi trôi từng đợt sóng bạc đầu.

Lực lượng chức năng tặng cặp áo phao, dặn dò ngư dân đôi điều, rồi canô chồm sóng lướt đi giữa mênh mông biển trời. Cập lại tàu nào, anh Triều nói rõ tên chủ tàu mồn một. Kể cả tài công, anh cũng thuộc tên, như đã quen thân nhau từ trước. “Chuyến này đi chỉ để nắm tình hình, kiểm tra kết hợp hướng dẫn, nhắc nhở khai thác đúng luồng tuyến là chính. Đây còn là dịp cho các nhà mạng thấy được thực tế, để có cách xử lý tốt hơn trong thời gian tới đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá”, anh Triều chia sẻ.

Biển quê nhà giàu lắm tiềm năng, cần được giữ gìn, vì đó là nguồn sống cho hiện tại và sự phát triển giàu mạnh của tương lai.

2. Theo lộ trình, đến cuối năm nay, Cà Mau sẽ tiến hành xong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Đây là nỗ lực của tỉnh, tiên phong trong việc “gỡ thẻ vàng” theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về tránh việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp trên biển. Tham gia cung cấp thiết bị có 3 nhà mạng, gồm: VNPT Cà Mau, Viettel Cà Mau và Công ty Zunibal. Mỗi bộ thiết bị có giá trên 20 triệu đồng, và người chủ tàu phải đóng phí sử dụng dịch vụ viễn thông hằng tháng.

Qua kiểm tra ngẫu nhiên các tàu khai thác tuyến lộng giáp vùng biển Kiên Giang hay gần khu vực phía ngoài cụm đảo Hòn Chuối, phần lớn các phương tiện đều chưa lắp đặt thiết bị, có tàu hết đăng kiểm, có tàu không mang theo giấy tờ liên quan cho chuyến khai thác. Đây đều là những tàu khai thác nhiều tháng trên biển, có sản phẩm thì bán cho tàu thu mua, mua nhiên liệu và các vật dụng thiết yếu cho chuyến biển từ các tàu trong bờ mang ra rồi tiếp tục chuyến biển. Họ ngại vào đất liền vì nhiều lý do “tế nhị”, có tàu cả năm lênh đênh trên biển, việc gắn thiết bị giám sát, đăng kiểm… xem ra không mấy ai quan tâm.

Qua thiết bị giám sát, anh Triều phát hiện một tàu mới ra khơi nhưng mất kết nối. Liên lạc với chủ tàu đang ở đất liền, người này cho biết có báo cho nhà mạng vì bị lỗi kỹ thuật. Hỏi báo khi nào thì nói mới báo, khi mà tàu đã ra khơi. Hỏi số máy của tài công thì chủ tàu nói… không biết. Sau đó liên hệ lại thì chủ tàu tắt máy và ngay sau đó thì thiết bị giám sát trên tàu cá trên xuất hiện lại.

Một bất ngờ nữa là khi kiểm tra thực tế, một chủ tàu khác cho biết trước đây thiết bị được lắp đặt cố định trên mui tàu, nhưng do thấy bất tiện nên có yêu cầu di dời sang vị trí khác, được nhân viên nhà mạng tháo ra và buộc tạm bợ bằng dây chì ngay trên mái che thân tàu (?). Theo dõi trên phần mềm giám sát, việc các tàu đang khai thác trên biển mất kết nối luôn tăng, giảm liên tục, nhưng không lúc nào dưới con số hàng chục. Ngoài ra, qua chuyến thực tế, việc chiếm giữ, mua bán “bãi” khai thác dẫn đến tranh chấp trên biển giữa các phương tiện của tỉnh với các tàu tỉnh bạn, hay khai thác không đúng luồng tuyến, kích cỡ lưới không phù hợp, lạm sát nguồn lợi hải sản vẫn còn xảy ra, gây khó khăn trong quản lý vùng biển, chưa có được giải pháp vẹn toàn, hiệu quả.

3. Tàu Kiểm ngư tiếp tục hướng về phía đông nam, dần đi vào vùng biển bãi cạn mũi Cà Mau, nơi có Nhà giàn DK1/10 – cột mốc tiền tiêu, khẳng định chủ quyền trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Mặt trời dần xuống thấp, dát vàng mặt biển, tạo nên bức tranh miền biên giới biển ấm áp, nhẹ nhàng, chen lẫn cảm xúc bâng khuâng dâng trào nỗi nhớ đất liền. Vì nhiệm vụ vinh quang được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó, vẹn nguyên lời thề bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc như lời Bác dạy: “Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”, mà các cán bộ trên nhà giàn luôn động viên, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ, gắn bó vượt qua những khó khăn trong công việc, đời sống vật chất và tinh thần.

Mỗi lần ra nhà giàn đều đem lại cảm xúc mới, vui sướng hơn vì sự đổi thay. Và lần này thú vị khi gặp được người chỉ huy nhà giàn là người con của quê hương Cà Mau. Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời, ông Nguyễn Quốc Thanh không giấu được nỗi xúc động, tự hào khi người chỉ huy này là đồng hương, cùng quê xã Khánh Bình Đông với ông. Người đứng đầu chính quyền của tỉnh, ông Nguyễn Tiến Hải háo hức lên ngay trên nóc nhà giàn, rất vui khi thấy những vòm rau xanh mướt được che đậy cẩn thận, bảo vệ trước điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Như về thăm người thân, ông xem mọi thứ, coi điều kiện công tác và sinh hoạt của các anh em ở nhà giàn đã ổn như thế nào, còn  thiếu những gì.

Những lít mật ong ngọt thanh, đậm đà tình quê hương, xứ sở được mang ra đây từ rừng U Minh Hạ, hay 5 con cá lóc đồng bự cũng của xứ rừng U Minh mà tàu Kiểm ngư tặng trước đó đã nói lên tình cảm, sự chân hành, yêu thương và gắn bó, thủy chung và biết ơn giữa đất liền với các anh nơi biển xa, mong các anh chân cứng, lòng yên, trí bền, tiếp tục gìn giữ bình yên biển, trời Tổ quốc.

Có lẽ, dù sau chuyến hải trình kết thúc, lại trở về với nhịp sống sôi động thường ngày, song những ai có mặt trên con tàu vào thăm nhà giàn hôm ấy vẫn sẽ đọng lại vẹn nguyên cảm xúc buổi gặp mặt đong đầy nghĩa tình, với hình ảnh không thể quên các anh phía trên nhà giàn chỉnh tề trong quân phục, vẫy cờ Tổ quốc chào đón; những cái siết tay, vòng ôm chặt hơn trong niềm vui, xúc động dâng trào, kết nối biển xa và đất liền…

Còn nhớ lần đầu tiên ra nhà giàn này vào năm 2009, chúng tôi quyết tâm lên cho bằng được dù là bằng đường “hàng không”, nghĩa là đu dây kéo lên, bởi sóng to, gió lớn, tàu lớn hay thuyền nhỏ không thể cập mạn. Hàng tấn thiết bị, kể cả máy phát điện nặng nề để phục vụ hàn tiện khi lắp đặt kiên cố các thiết bị viễn thông, truyền hình, cũng được đưa lên theo hình thức này trong trập trùng sóng gió với muôn vàn khó khăn. Như vậy đã là may mắn, chứ lần công tác tại Trường Sa, tháng 3/2011, đến cuối chuyến hải trình hơn 10 ngày trên biển, Nhà giàn Huyền Trân (DK1/17) thấy đó, gần trong tầm mắt mà không đến được cùng các anh, phải gọi sang, truyền lời ca tiếng hát qua sóng bộ đàm. Và rồi con tàu HQ 996 phải nén lưu luyến, quay vào bờ khi tin báo bão xa đang đến gần, bỏ lại những cánh tay vẫy chào xa mờ, khuất dần trong mưa gió, con sóng bạc đầu mà lòng ai cũng thấy mình có lỗi.

Ba ngày đêm lênh đênh trên biển Cà Mau. Chúng tôi thỏa thích ngắm bình minh rực rỡ ở phương đông hay hoàng hôn trên biển mênh mông rồi mất hút vạt nắng cuối cùng xuống biển Tây, kéo trăng lên lấp lánh. Dù ở nhà giàn hay tại cụm đảo Hòn Chuối, thật hạnh phúc khi thấy biển quê mình nơi nào cũng thật đẹp. Và đêm dưới chân Hòn Chuối, đèn sáng từ các tàu khi về đây trú ngụ như thấy có một “thành phố” trên biển hiện lên rực rỡ, rộn ràng, đầy sức trẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *