Cà Mau mong Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới 2 công ty lâm nghiệp

Đoàn công tác do ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước, làm Trưởng đoàn làm việc tại địa phương nhằm nắm tình hình tiến trình cổ phần hóa 2 công ty nói trên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử báo cáo với Đoàn công tác Trung ương.

Có quá nhiều khó khăn khi tiến hành cổ phần hóa, nhất là những vấn đề liên quan trên lĩnh vực đất đai, mà phần lớn là do lịch sử để lại, vấn đề xã hội thực tế đặt ra… – trình bày điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, hiện tỉnh có trên 35.000ha đất lâm nghiệp đã giao khoán cho dân, phần này sẽ chuyển giao về cho chính quyền cơ sở quản lý, cấp đất cho dân theo lộ trình, hoàn thành vào năm 2024. Phần diện tích 2 công ty giữ lại để quản lý chỉ trên 8.700ha.

Hiện 2 công ty hoạt động rất có hiệu quả, thu lợi kinh tế mỗi năm hàng tỷ đồng. “Có con gái đẹp, vấn đề còn lại là chọn đúng chàng rể quý”, ông Sử một lần nữa ví von khi nói về việc lựa chọn thành viên thứ hai cho tiến trình cổ phần hóa 2 công ty lâm nghiệp; đồng thời cho biết có nhiều nhà đầu tư chiến lược ngỏ ý tham gia, trong đó có những “ông lớn” trong lĩnh vực chế biến gỗ.

Phương án kêu gọi nhà đầu tư thuộc thành viên thứ hai vào tham gia là cần có sự liên kết trong hỗ trợ dịch vụ lâm nghiệp, cũng như cam kết thu mua lâm sản đối với hộ dân hiện đang nhận khoán đất sản xuất lâm nghiệp với diện tích khá lớn trên địa bàn.

Vấn đề quan trọng hơn và được cho là tiêu chí quyết định để nhận diện chọn “rể quý”, theo ông Sử, là nhà đầu tư phải xây dựng cho được nhà máy chế biến lâm sản tại địa phương.

“Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 công ty lâm nghiệp đã được trình Chính phủ, mong Thủ tướng sớm phê duyệt để tỉnh chủ động triển khai thực hiện”, ông Lê Văn Sử thông tin.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước, quan tâm rằng với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ 51% cổ phần sẽ khó thu hút nhà đầu tư, nhưng đây thật sự là yêu cầu chiến lược, của ngành đặc thù, vì chỉ như thế Nhà nước mới có khả năng chi phối, giám sát việc trồng rừng nhằm đảm bảo độ che phủ của rừng, gắn với đó là những vấn đề liên quan đến tầm quan trọng trong một vài tình huống của đất rừng…

Việc đảm bảo vùng nguyên liệu để nhà đầu tư thấy được tiềm năng và lợi thế kinh tế khi hình thành nhà máy chế biến lâm sản, là một yêu cầu cần nhận diện cho rõ, trong đó tầm quan trọng trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là vấn đề quan tâm, ưu tiên hàng đầu cần có chiến lược, giải pháp thực hiện hiệu quả, bền vững.

Cho rằng càng về sau, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước càng khó khăn, nhất là đối với các công ty lâm nghiệp với nhiều vấn đề liên quan đến chính sách, quy định về đất đai, ông Long mong muốn Cà Mau tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới tại 2 công ty cho thật phù hợp, sát thực tế, đúng yêu cầu.

“Trung ương sẽ xem xét, quyết định những vấn đề địa phương kiến nghị. Cái chính vẫn là vai trò của địa phương, trong đó tính chủ động và trách nhiệm cần được nêu cao”, Phó Trưởng ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *