Chính phủ ủng hộ, các địa phương quyết tâm ứng phó sạt lở bờ biển, bờ sông

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (bìa trái) thông tin về tình hình sạt lở đê biển trên địa bàn tỉnh, đến Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Hoàng Văn Thắng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (từ trái sang), tại chuyến khảo sát thực tế trên vùng biển Tây Cà Mau.

Thông tin tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng: Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 380 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 632km, trong đó lớn nhất là ở tỉnh Cà Mau với 48 điểm, chiều dài trên 100km.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải: Đang vào mùa sạt lở nghiêm trọng vùng biển Đông, với 5 điểm xung yếu, đặc biệt là tại Vàm Xoáy, Tân Thuận, Rạch Gốc. Đây đều là những nơi có mật độ dân cư sinh sống rất cao, nguy cơ thiệt hại về người và tài sản là rất lớn. Đối với vùng biển Tây, cách đây khoảng 10 năm, đai rừng phòng hộ đê biển có độ dầy từ 1,5 – 2km, tuy nhiên hiện nay gần như đã mất hoàn toàn, sóng biển gây áp lực rất lớn đến chân đê.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo những nội dung quan trọng tâm về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL, ngay sau chuyến khảo sát sạt lở bờ biển ở tỉnh Cà Mau.

“Tình trạng sạt lở vùng ven biển ở Cà Mau đang rất cấp bách, nhiều nguy cơ xâm hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái, sản xuất và đời sống của người dân. Dù địa phương đã quyết liệt trong thực hiện các giải pháp, tuy nhiên vượt khả năng, rất cần có sự hỗ trợ tích cực, kịp thời hơn từ Trung ương và quốc tế trong thời gian tới”, ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.

Theo đó, ông Nguyễn Tiến Hải kiến nghị: Bổ sung và tăng vốn hỗ trợ cho địa phương để đầu tư các dự án kè chống sạt lở ven biển, tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển; các dự án tái bố trí di chuyển, định cư cho những hộ dân ở những vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sạt lở cao. Do nhu cầu vốn đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn trong thời gian tới là khá lớn, khoảng trên 1.541 tỷ đồng, ngoài nguồn vốn ngân sách, cần có cơ chế để huy động vốn doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL nêu lên thực trạng, đồng thời kiến nghị về các giải pháp ứng phó thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là nguồn lực đầu từ từ Trung ương cần tập trung và đầu tư lớn hơn trước diễn biến ngày càng phức tạp.

Đánh giá thực trạng xói lở bờ biển, bờ sông ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nhất là tại các địa phương ven biển đang ở mức rất nghiêm trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng cần có giải pháp xử lý khẩn cấp tại những nơi bức xúc, về lâu dài cần có sự tập trung về nguồn vốn, tạo cơ thế đặc biệt trong thực hiện các giải pháp khắc phục, ứng phó trước tác tác động của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh siết chặt việc khai thác cát sai quy định trên các tuyến sông, vùng ven biển, cần gia cố tại những nơi sạt lở nghiêm trọng, bảo vệ đai rừng phòng hộ một cách nghiêm ngặt, tránh mọi hình thức xâm hại… Cùng với việc thực hiện khẩn cấp các giải pháp tạo bãi để khôi phục đai rừng phòng hộ, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần rà soát, quy hoạch lại trên các lĩnh vực theo phương châm ứng phó tích cực trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, trong đó cần mang tính dự báo tầm ảnh hưởng để có sự đầu tư hợp lý, nhất là trong thực hiện di dời dân, xây dựng các tuyến dân cư an toàn vùng ven biển, ven sông.

Thống nhất với quan điểm của Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình về xây dựng gói hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: ĐBSCL là vùng trọng điểm của quốc gia, không thể để tình trạng mất đất ven sông, đất rừng, ảnh hưởng đến sinh kế người dân, đến tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Cần tập trung, trách nhiệm hơn trong hành động để vùng đất trù phú này thật sự phát triển ổn định, bền vững hơn trong thời gian tới, khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. “Chính phủ đã quan tâm và thật sự cùng hành động, tiếp tục ủng hộ. Các địa phương cũng phải quyết tâm, quyết không thể để tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, phải ứng phó một cách khôn khéo, đi từng bước vững chắc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *