Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận và chất vấn tại Hội trường

Chỉ trong 10 tháng có đến 56 bác sĩ bỏ việc ở bệnh viện công

Nêu những vấn đề liên quan trên lĩnh vực y tế, đại biểu Đặng Thùy Trang tâm tư việc nhiều bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công chuyển sang làm tại bệnh viện tư.

Nhận định nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, phần lớn do đời sống, môi trường phát huy năng lực chuyên môn…, theo đó, đại biểu Trang đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn vấn đề nâng cao cơ sở vật chất y tế công, có chính sách đãi ngộ hợp lý, giúp đội ngũ cán bộ y tế chuyên tâm vào công tác nghiên cứu, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đối với những người trực tiếp khám chữa bệnh.

Được biết, trong 10 tháng của năm nay, có đến 56 trường hợp (53 bác sĩ, 3 dược sĩ), trong đó có 22 trường hợp tự ý bỏ việc hoặc buộc thôi việc, từ bệnh viện công sang bệnh viện tư.

Để giải quyết thực trạng này, UBND tỉnh đề ra hàng loạt giải pháp, trong đó cần triển khai mạnh mẽ tự chủ tại các bệnh viện để tạo điều kiện cho các đơn vị này chủ động trong quản lý tài chính, nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thu nhập cho cán bộ, viên chức.

Tham gia thảo luận tại Hội trường sáng nay, Đại biểu Thạch Hà cho biết, Cà Mau có nhiều ngôi chùa với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, văn hóa tâm linh đa dạng; tuy nhiên, đã qua việc khai thác du lịch tâm linh tại địa phương chưa được phát huy đúng mức, còn lãng phí tiềm năng. Mong muốn ngành Du lịch xem xét, đầu tư về hạ tầng, quảng bá, vận dụng nhiều giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả văn hóa tâm linh trên địa bàn, đó cũng là phát huy giá trị truyền thống văn hóa đồng bào các dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Minh Luân nêu vấn đề liên quan đến việc thay sách giáo khoa, bắt đầu áp dụng từ năm học 2020 – 2021, trong đó còn có những “mâu thuẫn” giữa Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục. Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định thay sách giáo khoa trong năm học 2020 – 2021.

Đại biểu Luân băn khoănkhi hiện nay chỉ có khoảng 45% điểm trường đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày; việc thiếu giáo viên, cơ sở vật chất còn hạn chế…là những trở ngại khi áp dụng thay sách giáo khoa đồng bộ.

Thảo luận tại Hội trường sáng nay, các đại biểu nêu những vấn đề liên quan đến chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công trình ứng phó thiên tai; công tác tiêm phòng, ngừa bệnh dại; những tồn tại trong giao đất, cho thuê đất…

“Nóng” phần chất vấn lãnh đạo ngành Nông nghiệp

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Triều trả lời chất vấn các đại biểu tại Hội trường vào sáng nay 5/12.

Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp quản lý khai thác hải sản, tháo gỡ “thẻ vàng”, ông Lê Thanh Triều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết các cấp của tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, góp phần làm giảm số vụ khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài. Đến nay có 1.120 tàu/1.665 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. “Khó khăn là vẫn còn số tàu mất kết nối sau lắp đặt”, ông Triều băn khoăn, đồng thời kiên quyết, đến cuối năm nay hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá đối với 545 tàu thuộc diện bắt buộc lắp đặt còn lại vàtiếp tục thực hiện việc không cho ra khơi, cũng như không đăng kiểm mới và đăng kiểm lại khi phương tiện chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Được chất vấn về vấn đề tàu đánh bắt xa bờ nhưng lại khai thác ven bờ, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, ông Lê Thanh Triều cho biết, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 381 vụ khai thác sai quy định về luồng, tuyến, đã xử phạt 2,7 tỷ đồng. “Khó khăn lớn nhất hiện nay là lực lượng thực thi chấp pháp, cần tiến tới thành lập Chi cục Kiểm ngư, chủ động với các lực lượng trên biển làm tốt công tác quản lý, giám sát khai thác trên biển, đảm bảo tình hình an ninh trật tự vùng biển Cà Mau”, ông Triều thông tin.

Lực lượng chấp pháp tuần tra, giám sát việc khai thác hải sản trên vùng viển Cà Mau.

“Gọi là Ngân hàng đất, thật ra cho thấy khí thế vậy, chứ không hiệu quả”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn của đại biểu Ngô Ngọc Khuê.

Cho rằng rất buồn vì câu trả lời này, đại biểu Khuê cho biết,Ngân hàng đất là mô hình đầu tiên tại ĐBSCL, mong Giám đốc Sở có giải phápđể “ngân hàng”sớm đi vào hoạt động hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho người dân sên vét, cải tạo ao đầm trong nuôi tôm…

Được biết, trong quá trình thực hiện Tiểu dự án hệ thống thủy lợi tiểu vùng X – Nam Cà Mau, vào tháng 8/2016, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt quyết định bổ sung hạng mục xây dựng mô hình thí điểm Ngân hàng đất với diện tích 11ha, kinh phí trên 20 tỷ đồng. Ngân hàng đất có mục tiêu là tiếp nhận đất bùn nạo vét từ các kênh cấp 1, cấp 2 thuộc tiểu vùng X – Nam Cà Mau thuộc phạm vi đầu tư của dự án WB6 và mở rộng phạm vi tiếp nhận bùn đất nạo vét các kênh khác lân cận.

Ngân hàng đất được xây dựng tại xã Trần Thới (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) là một trong những mô hình thí điểm đầu tiên được triển khai tại ĐBSCL. Tuy nhiên, khi Ngân hàng đất hoàn thành đưa vào sử dụng (tháng 8/2018) thì chưa đạt được mục tiêu, hiệu quả như dự án ban đầu đề ra.

Cho rằng do một số doanh nghiệp chủ lực xuất khẩu của tỉnh gặp nhiều khó khăn nên tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu giảm sâu liên tiếp từ năm 2017, 2018 và tiếp tục giảm mạnh qua 11 tháng năm 2019; nêu hàng loạt nguyên nhân, ông Triều dự báo tình trên trên sẽ còn kéo dài sang năm 2020. “Nhận diện khó khăn, tuy nhiên là năm cuối của nhiệm kỳ, cần phấn đầu nhiều hơn, tỉnh thống nhất năm 2020 đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 1,2 tỷ USD”, ông Triều nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *