Giải ngân vốn đầu tư công: “Vướng khâu nào, thuộc lĩnh vực, cấp nào thì phải cấp tốc xử lý ngay”

7 chủ đầu tư đạt tỷ lệ dưới 50%

Thông tin tại Hội nghị, ông Trương Đăng Khoa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, đến ngày 9/10, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang đạt trên 2.719 tỷ đồng, bằng 66,8% kế hoạch vốn (trên 4.070 tỷ đồng). Có tăng khá với mức 1,74% so với cùng kỳ, nhưng chưa đạt theo yêu cầu”.

Trong đó, với nguồn vốn các năm trước chuyển sang trên 405 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân thấp nhất là vốn ngân sách tập trung do tỉnh quản lý, chỉ đạt 36,5% kế hoạch vốn (trên 23 tỷ đồng). Đối với vốn đầu tư công năm 2020, tỷ lệ giải ngân thấp nhất thuộc về nguồn vốn nước ngoài khi chỉ đạt 42,7% kế hoạch vốn (trên 418 tỷ đồng).

Lý giải nội dung này, ông Khoa cho biết, Tiểu dự án 8 Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm – rừng ven biển tỉnh Cà Mau (thuộc Dự án ICRSL) đang vướng khâu cấp vốn ODA và vốn địa phương vay lại, tỉnh đang làm việc với Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ, sớm triển khai. Cùng với đó là Dự án Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau (KfW), hiện đang chờ Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế để ban hành Sổ tay vận hành dự án (POM) hướng dẫn tỉnh thực hiện theo Hiệp định. 

Qua kết quả tổng hợp giải ngân của 29 chủ đầu tư, có 7 chủ đầu tư đạt tỷ lệ dưới 50%, gồm: UBND huyện Trần Văn Thời, Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau, Đài PT-TH Cà Mau, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế.

Hiện có 16 dự án gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án, vẫn là những cái tên “quen thuộc”: Đầu tư kè cấp bách tại xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi); đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bến cá Khánh Hội (huyện U Minh); đầu tư nâng cấp đê biển Tây; Bệnh viện Lao và Phổi; kè chống sạt lở cửa biển Hương Mai (huyệnU Minh); cầu qua sông Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân); cầu qua sông Tắc Thủ (TP. Cà Mau)…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Còn 238 hộ chưa di dời, bàn giao mặt bằng thi công

Trong 16 dự án lớn, chậm tiến độ được nêu, hiện có 238 hộ dân trong vùng dự án chưa đồng ý nhận tiền, không bàn giao mặt bằng. Tại huyện U Minh, ông Nguyễn Thanh Toản – Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết, hiện chỉ có 9/36 hộ dân nhận tiền bồi thường (khoảng 4,3 tỷ đồng, đạt 16% so với chi phí được phê duyệt), còn lại các hộ chưa đồng ý nhận tiền, đối với Dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bến cá Khánh Hội. Liên quan đến giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện U Minh còn có Dự án đầu tư xây dựng Bờ kè chống sạt lở tại cửa biển Hương Mai (đoạn từ cống Hương Mai đến đê biển Tây), xã Khánh Tiến, hiện còn 33/91 hộ chưa nhận tiền để di dời.

Đối với huyện Trần Văn Thời, ông Trần Tấn Công – Phó Chủ tịch UBND huyện, nhận khuyết điểm trong khâu quy hoạch, bố trí dân cư thực hiện Dự án Đầu tư nâng cấp đê biển Tây (đoạn thị trấn Sông Đốc), khi hiện còn 61 hộ dân đang sinh sống trên diện tích xây dựng, ảnh hưởng khoảng 80% khối lượng hợp đồng. Ông Công cho rằng, hiện tại chưa xác định được chủ sở hữu diện tích đất này (đất rừng phòng hộ ven đê và trên đê – PV) nên chưa thể di dời, giải phóng mặt bằng. “Ai là người quản lý trực tiếp, ranh giới cụ thể, việc này Sở Tài nguyên và Môi trường phải xác định… Nếu đầy đủ pháp lý thì huyện Trần Văn Thời không ngại gì hết”, ông Công khẳng định. Riêng đoạn vòng qua cống Đá Bạc (phía bờ Bắc), hiện còn 4 hộ chưa nhận tiền bồi thường di dời và 1 hộ đã nhận tiền bồi thường, chỉ giao mặt bằng trong phạm vi thân đê, còn mái đê không cho thi công, làm ảnh hưởng khoảng 50% khối lượng hợp đồng.

Trong khi lãnh đạo hai huyện Đầm Dơi và Phú Tân tỏ rõ quyết tâm của địa phương, tiến tới cưỡng chế những hộ không chấp hành chủ trương di dời theo quy định, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án, góp phần tăng cao tỷ lệ giải ngân; thì ông Lê Tuấn Hải – quyền Chủ tịch UBND TP. Cà Mau, cho rằng các dự án trên địa bàn chậm tiến độ là do… ngập nước. Cùng với đó, việc bố trí tái định cư đối với các dự án lớn: Bệnh viện Lao và Phổi, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng, cầu qua sông Tắc Thủ… vẫn còn khá mâu thuẫn, chưa tìm được tiếng nói chung và có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm giữa UBND TP. Cà Mau và Sở Xây dựng trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là ban hành giá đất, trong khi giá đất sơ bộ, tạm tính đã có.

Dự án nâng cấp đê biển Cà Mau là dự án có nguồn đầu tư lớn, mang ý nghĩa cấp bách, tuy nhiên những năm qua, tiến độ xây dựng hay kè hộ đê luôn tiến triển khá chậm.

Vẫn phải chuyển nguồn

Trước thực trạng chưa có nhiều chuyển biến rõ nét về giải ngân vốn đầu tư công, dù tỉnh đã chỉ đạo quyết tâm, trong khi thời gian còn lại của năm không nhiều, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi đề nghị các chủ đầu tư phải lên danh mục dự án cần kiểm soát đặc biệt, nhất là tại các chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phải xác định công việc cụ thể, tiến độ thực hiện từng nội dung, trên tinh thần hạn chế thấp nhất việc phải xin chuyển nguồn sang năm sau. Để chuyển nguồn không những làm chậm tiến độ thụ hưởng công trình, đó còn là cơ sở đánh giá năng lực quản lý, không hoàn thành nhiệm vụ của Chủ đầu tư, còn tạo tiền lệ không tốt…

Tuy nhiên, cũng chính hai Chủ đầu tư mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý như trên, lại cho rằng sẽ… chuyển vốn đầu tư công sang năm sau vì… “lực bất tòng tâm”. Cụ thể, ông Lâm Minh Thời, Trưởng ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, khẳng định không thể giải ngân hết vốn dự án đầu tư kè cấp bách tại xã Tân Thuận, phải chuyển vốn sang năm 2021 là 21 tỷ đồng. Cùng hoàn cảnh, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự án đê biển Tây do đơn vị làm chủ đầu tư sẽ phải chuyển vốn sang năm sau 33 tỷ đồng.

Miễn cưỡng hứa!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm “tổng đạo diễn” trong kiểm soát, theo dõi tiến độ hằng tuần thực hiện các dự án thuộc “danh mục cần kiểm soát đặc biệt”, 2 tuần phải báo cáo UBND tỉnh. Vướng khâu nào, thuộc lĩnh vực, cấp nào thì phải cấp tốc xử lý ngay, ai để chậm trễ, chậm hay không phối hợp xử lý và không xử lý hiệu quả thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. “Phải thấy được trách nhiệm trong kiểm soát công việc và cũng tạo nếp điều hành vấn đề này cho những năm tiếp theo trong giải ngân vốn đầu tư công, chứ chạy đều đều như đã qua là không xong”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, một số lãnh đạo địa phương đã lên phương án, ấn định về mặt thời gian, tỏ rõ quyết tâm trong thực hiện dứt điểm khâu giải phóng mặt bằng, đồng thời khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND tỉnh nếu không hoàn thành như cam kết. Tuy nhiên, theo ghi nhận trên nghị trường, vẫn còn khá nhiều địa phương thể hiện khá… miễn cưỡng. Điển hình như dự án xây dựng tuyến đường Phan Ngọc Hiển (nối dài) tại huyện Phú Tân, dù đã có chủ trương từ năm 2019, nhưng đến nay chưa thực hiện chi trả, giải phóng mặt bằng được hộ nào. Đối với 2 dự án lớn đang triển khai, ông Nguyễn Thanh Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho rằng sẽ rà soát lại bởi còn khó, vướng mắc nhiều thứ, đồng thời không khẳng định được thời gian hoàn thành giải phóng mặt bằng. “Huyện U Minh, Trần Văn Thời phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vào cuối tháng 12, các địa phương khác phải hoàn thành hết ngày 15/12”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lâm Văn Bi chỉ đạo kiên quyết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *