Gian nan cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước Bài 3: Doanh nghiệp công ích: Nợ khó thu hồi, bán không ai mua

Ông Lê Văn Thế nợ 1 tỷ 125 triệu đồng, nhưng hiện đang bệnh nặng; ông Hồ Đại Nghĩa nợ với con số khủng là 28 tỷ 776 triệu đồng, nhưng nay đã mất. Các khoản không có khả năng chi trả, hoặc cố tình trả chậm như ông Châu Quốc Khải nợ 3 tỷ 38 triệu đồng, nhưng đến nay chỉ trả 750 triệu đồng. Dù đã có nhiều kết luận, kể cả khi UBND tỉnh có ý kiến yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Cà Mau thực hiện đúng quy định của pháp luật về dân sự nhằm thu hồi khoản nợ, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều tiến triển.

“Nhà có nợ, ai dám vào đầu tư”

Trước đây, Công ty Cấp nước và Công ty Công trình đô thị Cà Mau là chung một đơn vị. Năm 2015, tỉnh phê duyệt cổ phần hóa, tách Công ty Cấp nước ra để thực hiện công tác cổ phần. Tuy nhiên, để cổ phần hóa thành công, khoản nợ chung hàng chục tỷ đồng phải chuyển sang hoàn toàn cho “người anh em song sinh” là Công ty Công trình đô thị Cà Mau với tên gọi mới là Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Cà Mau. Nói như ông Đoàn Quốc Khởi – Giám đốc Sở Tài chính, tại phiên họp giải trình về công tác cổ phần hóa trước Thường trực HĐND tỉnh vừa qua, thì đây là câu chuyện khá dài, đầy phức tạp.

Theo ông Khởi, trước đây, Công ty Cấp thoát nước và Công trình đô thị Cà Mau thời ông Nguyễn Văn Nở làm Giám đốc đã thành lập nhiều đội xây dựng. Theo đó, đơn vị ứng vốn ngân sách nhà nước 56 tỷ đồng để hoạt động kinh doanh. Sau thời gian hoạt động không hiệu quả, khi bị thanh tra, phát hiện thì nguồn vốn thất thoát không thể thu hồi. Số nợ mà Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Cà Mau đang phải gánh là 38 tỷ 866 triệu đồng.

Thông tin từ Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh, số nợ này sẽ rất khó đòi, dù đã thành lập Ban thu hồi công nợ, giao nhiệm vụ cho ông Nở phải chịu trách nhiệm thu hồi…

Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Cà Mau luôn tích cực lao động, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị TP. Cà Mau văn minh và hiện đại.

Như đã thông tin trong bài trước, do các công ty lâm nghiệp trên địa bàn mang tính đặc thù, nên Nhà nước cần nắm quyền chi phối để đảm bảo ổn định tình hình rừng, kinh tế – xã hội trên địa bàn gắn với quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, nếu Nhà nước nắm giữ trên 51% tổng số vốn điều lệ, sẽ khó thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Mặt khác, vốn điều lệ thấp không đảm bảo nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, nhà máy chế biến lâm sản.

Theo đó, UBND tỉnh vừa có đề xuất đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép địa phương, khi xác định giá trị doanh nghiệp phải tính thêm giá trị quyền được thuê đất (Nhà nước miễn tiền thuê đất) để nâng giá trị doanh nghiệp tại 2 công ty; hoặc cho chủ trương thành lập một pháp nhân mới chỉ thực hiện phần chế biến gỗ.

Nhà đầu tư thờ ơ !

Sau cổ phần hóa thành công khi “quăng” được “khoản nợ” cho “người anh em song sinh”, niềm vui tại Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau vẫn chưa được trọn vẹn khi mà tiến độ thoái vốn nhà nước tại Công ty khá chậm và nay gần như… bế tắc. Đã nhiều lần đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán rao bán, nhưng không có nhà đầu tư quan tâm.

Được biết, việc thoái vốn tại Công ty được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017. Theo đó, Công ty sẽ thoái vốn nhà nước tối thiểu 35,49% vốn điều lệ.

Công ty lý giải tiến độ chậm so với phương án được phê duyệt là do các vụ “lùm xùm” liên quan đến sử dụng lao động được báo chí quan tâm thông tin trong thời gian qua, cũng như việc thay đổi người đại diện vốn nhà nước và giá trị cổ phiếu của Công ty trên thị trường chứng khoán không ổn định. Hiện, tỷ lệ thoái vốn chỉ đạt 15% vốn điều lệ, tỷ lệ vốn nhà nước còn nắm giữ tại Công ty chiếm 71,49%.

Trong một diễn biến tương tự như tại Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau, hiện nay phần góp vốn của Nhà nước thông qua Quỹ Đầu tư và Phát triển của tỉnh vào Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Cà Mau chiếm tỷ lệ khá cao so với quy định. Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận về vấn đề này và UBND tỉnh cũng đã có chủ trương thoái vốn. Tuy nhiên, đã nhiều lần đưa lên sàn giao dịch chứng khoán nhưng vẫn không gây được sự chú ý của nhà đầu tư, kể cả việc chào bán cạnh tranh cũng chưa mang lại hiệu quả.

Nếu như “khoản nợ” khó thu hồi làm cản bước tiến cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị thì Ban Điều hành Bến xe tàu Cà Mau lại vướng về phương án sử dụng đất. Hiện phương án sử dụng đất của đơn vị trong phương án cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn do đất đai bị người dân lấn chiếm, chồng lấn với sân bay, vướng mắc về các thủ tục quy hoạch đất… Dự kiến trong tháng 7 năm nay, bước trước tiên là sẽ chuyển đơn vị này trở thành công ty cổ phần, tạo tiền đề cho công tác cổ phần hóa trong những giai đoạn tiếp theo.

Nhà khách Cà Mau, Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng cũng sẽ thực hiện bước đầu theo mô hình công ty cổ phần trong tháng 1 và Trung tâm Giống Nông nghiệp sẽ chuyển đổi theo mô hình hoạt động này trong tháng 12/2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *