Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về phòng chống thiên tai (15 – 22/5) Phòng chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở

Các đội xung kích phòng chống thiên tai giúp dân khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả

Tỉnh Cà Mau có 3 mặt tiếp giáp biển, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô như một số tỉnh trong vùng. Vì vậy Cà Mau thường xảy ra tình trạng thừa nước trong mùa mưa, cùng với triều cường gây ngập diện rộng, còn mùa khô thì thiếu nước nghiêm trọng. Tình trạng hạn hán kéo dài như những năm qua khiến nhiều nơi trong tỉnh thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất, phòng cháy chữa cháy rừng, gây hư hỏng các tuyến đường giao thông trong vùng ngọt hóa và nguy cơ nước mặn xâm nhập vào nội đồng rất cao.

Công tác phòng, chống thiên tai của Cà Mau được triển khai chủ động, hiệu quả đáp ứng nhu cầu dân sinh. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) từ cấp tỉnh, huyện, xã đã xây dựng và ban hành Kế hoạch PCTT 5 năm và hàng năm, theo phương châm “4 tại chỗ”, với hoạt động chính phòng ngừa; ứng phó và khắc phục hậu quả, trong đó khâu phòng ngừa là then chốt. Ngành chức năng hướng dẫn thống kê tình hình lịch sử thiên tai của địa phương và xây dựng phương án ứng phó với từng loại thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn. Trong đó, chú trọng các giải pháp sơ tán, bảo vệ tính mạng và tài sản người dân, bảo vệ công trình phòng chống thiên tai, dự trữ vật tư, trang thiết bị… Hiện tại, 100% các xã hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai cấp xã.

Trước dự báo diễn biến phức tạp của thời tiết, để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo các ngành liên quan cần làm tốt công tác thông tin, hướng dẫn kỹ năng nhận biết và cách phòng ngừa, ứng phó thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương. Tiếp tục theo dõi cập nhật sát tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, các bản tin dự báo, cảnh báo, nhận định diễn biến thiên tai, thời tiết để điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp; hướng dẫn người dân đăng ký sản xuất ban đầu.

Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho ngành Nông nghiệp chủ động đề xuất giải pháp trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt mùa khô cho người dân vùng khó khăn thiếu nước sinh hoạt. Chủ động điều tiết máy bơm, điều tiết nước chống ngập úng vùng ngọt hóa, hướng dẫn người dân gia cố bờ bao chống tràn. Thống kê, có phương án di dời hộ dân khu vực ven sông, ven biển, khu tái định cư có thể bị thiệt hại do sạt lở đất; hướng dẫn ngư dân các biện pháp phòng chống thiệt hại đối với tàu cá, bảo đảm an toàn trên biển…

Tình trạng khô hạn đang diễn ra nghiêm trọng tại vùng ngọt hóa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ”

Mọi kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai đều được triển khai lấy ý kiến người dân, dân biết và đồng thuận cùng chính quyền thực hiện, nên việc triển khai rất hiệu quả, điển hình là trong công tác ứng phó bão số 1 và công tác hộ đê biển Tây đầu tháng 9/2019. Việc thành lập các Đội Xung kích phòng chống thiên tai (XKPCTT) được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), đảm bảo việc phản ứng nhanh trong phòng, chống thiên tai (PCTT). Các thành viên của Đội XKPCTT được tập huấn về kiến thức, kỹ năng về PCTT, xây dựng được phương án ứng phó với các loại hình thiên tai. Qua đó có thể giải quyết, ứng phó tốt với diễn biến xấu của thiên tai.

Toàn tỉnh hiện có 101/101 xã, phường, thị trấn đã xây dựng và củng cố lực lượng XKPCTT cấp xã với lực lượng nòng cốt gồm: Quân sự, Biên phòng, Công an, dân quân tự vệ, các ban, ngành, đoàn thể xã; bí thư chi bộ, trưởng các ấp, khóm, với tổng số 10.384 người, được trang bị xe máy, vỏ máy, máy cưa, máy phát cỏ, đèn pin, áo phao, loa cầm tay, áo mưa, bình cứu hỏa…

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, nhấn mạnh: “Việc thành lập Đội XKPCTT chúng tôi nhận thấy hiệu quả rất tích cực. Ở một số địa phương, khi có bão, sạt lở, sụt lún, rất cần có lực lượng tại chỗ để xử lý các tình huống ban đầu trước khi có lực lượng chuyên nghiệp kịp tới địa bàn. Lực lượng này cũng được huy động vào rất nhiều việc như hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dựng lại nhà, dọn vệ sinh môi trường…”.

Nhìn chung, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trong năm qua tương đối sát với diễn biến thiên tai thực tế, cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai trên địa bàn. Tuy nhiên, với hiện trạng về cơ sở vật chất, trang thiết bị quan trắc (1 trạm khí tượng, 8 trạm đo mưa tự động và 3 trạm đo mực nước bán tự động) thì vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế trong điều kiện thời tiết, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp. Ngoài ra, những hạn chế về trình độ chuyên môn, nguồn nhân lực trong lĩnh vực quan trắc khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh cũng gây ra nhiều khó khăn cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Kinh phí cho các công trình bảo vệ đê điều là rất lớn, trong khi nguồn kinh phí của tỉnh vẫn còn rất hạn chế nên chưa thể xử lý đồng bộ, kiên cố trên toàn tuyến đê biển…

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ lắp đặt thêm một số trạm đo mưa, đo mặn, đo mực nước trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác dự báo thiên tai được tốt hơn. Quan tâm đầu tư cho tỉnh các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu neo đậu tàu thuyền khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra. Mở rộng chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người dân, thực tế hiện nay có nhiều loại hình thời tiết kết hợp gây thiệt hại cho người dân (mưa trái mùa, ngập úng do mưa kết hợp với triều cường…) nhưng không thể áp dụng các chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai theo quy định. Bên cạnh đó đề xuất tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí để thực hiện hoàn thành dự án khu neo đậu tránh trú bão kết hợp với bến cá cửa biển Khánh Hội, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp tàu thuyền khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra, cũng như thúc đẩy phát triển vùng kinh tế biển huyện U Minh nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung.

“Phòng chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở” là chủ đề của Tuần lễ Quốc gia PCTT năm nay. Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh, huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Thời gian thực hiện từ ngày 15 –  22/5/2020.

Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết đánh giá tình hình diễn biến và kết quả công tác PCTT năm 2019, những tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác trong thời gian còn lại trong năm một cách xác thực, hiệu quả. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *