Khai thác tốt lợi thế, tạo thương hiệu gạo chất lượng cao

Thu hoạch lúa hè thu ở huyện Trần Văn Thời.

Gạo Cà Mau cần có nhãn hiệu để thành thương hiệu mạnh

Từ bước khởi đầu phấn đấu xây dựng vùng sản phẩm cho thương hiệu “Lúa sạch Thới Bình” trên địa bàn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau nên sớm hướng tới quy hoạch, tổ chức lại sản xuất. Mục đích nhằm hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao lớn hơn và cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, để có thể hình thành thương hiệu mạnh của lúa – gạo sạch Cà Mau. Bởi lẽ, tuy diện tích đất lúa của tỉnh còn hạn hẹp, nhưng với dân số hơn 1,2 triệu người và có lượng du khách đến – đi khá lớn và hầu hết đều có nhu cầu về gạo ngon cơm, an toàn hàng ngày, là thị trường cũng rất đáng quan tâm. 

Điều này hoàn toàn khả thi, bởi tỉnh ta mặc dù không có nước ngọt quanh năm từ Sông Hậu, nhưng được thiên nhiên ưu đãi cho hơn 6 – 7 tháng mưa liên tục trong mùa mưa và bằng sự cần cù năng động, sáng tạo, khéo léo của nông dân, tỉnh Cà Mau vẫn có thể canh tác thành công, ổn định với các mô hình thuần lúa hai vụ, một vụ lúa một vụ tôm. Đặc biệt là mô hình canh tác một vụ tôm – một vụ lúa cao sản ngắn ngày và nuôi xen tôm càng xanh trong ruộng lúa vào mùa mưa khá thành công, hiệu quả cao, bền vững đã ổn định nhiều năm qua và đang ngày càng được mở rộng. Đây là mô hình canh tác phù hợp điều kiện sinh thái tự nhiên. Hầu như nông dân không dùng phân bón hay nông dược và cây lúa có khả năng thích ứng khá tốt trong điều kiện diễn biến biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt; hứa hẹn cho ra nguồn lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng đạt các yêu cầu của thị trường gạo trong ngoài nước, nếu các địa phương biết tận dụng thời cơ và có quy hoạch, tổ chức sản xuất tốt.

Những “yếu tố cần” đã sẵn, chỉ phải đáp ứng “điều kiện đủ”

Các vùng đất canh tác một vụ tôm một vụ lúa khác trong tỉnh, do nông dân muốn bảo vệ kết quả lâu bền của các vụ tôm nên hầu hết cũng không dùng thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa và nhờ phù sa cùng với những chất phù du của vụ nuôi tôm đã đủ cung cấp dinh dưỡng cho suốt vụ lúa nên cũng không dùng các loại phân hóa học. Ruộng lúa trên đất nuôi tôm thường không rong cỏ, luôn xanh tốt và hầu như không sâu bệnh hại nên cũng không ai cần dùng phân thuốc gì, nhờ thế, hạt gạo vừa đảm bảo được tính thanh sạch, an lành, vừa đáp ứng được chất lượng dẻo thơm, ngon ngọt đậm đà của hạt gạo tự nhiên.

Hơn nữa, hiện nay, trong bộ giống lúa cao sản ngắn ngày, ngoài nhóm giống ST còn có khá nhiều giống có năng suất cao, thích nghi tốt, đạt chất lượng gạo ngon cơm và đồng đất Cà Mau có điều kiện canh tác phù hợp theo hướng sản xuất hữu cơ để cho ra gạo sạch, an toàn đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu về chất lượng của người tiêu dùng. Như vậy, “điều kiện cần” là giống lúa tốt, gạo ngon cơm đã có sẵn hoặc tỉnh ta có thể khắc phục dễ dàng, chỉ phải thêm việc tổ chức sản xuất cho tốt mọi mặt, có quy hoạch vùng sản phẩm rõ ràng cho từng giống thích hợp, rồi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để có thị trường ổn định, bền vững, xem như đáp ứng đạt những “điều kiện đủ”. Điều này cho thấy, việc để có thương hiệu “Lúa gạo sạch Cà Mau” uy tín, vững mạnh sẽ không quá khó khăn.

Các giống ST 24, ST 25 thuộc nhóm lúa cao sản ngắn ngày đã từng có mặt trên đồng đất Cà Mau cùng với nhiều giống cho gạo ngon khác, nay được công nhận Gạo ngon nhất thế giới, là tiền đề, là niềm tin và cũng là động lực thôi thúc bà con nông dân. Tỉnh ta nên sớm quy hoạch, xây dựng vùng lúa gạo sạch, an toàn có thương hiệu với nhiều giống lúa chất lượng cao, để chỉ cần đủ phục vụ người tiêu dùng trong tỉnh và khách du lịch là cũng đã rất tốt về nhiều mặt!.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *