Khi nghị quyết đi vào cuộc sống

Năm 2011, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân ban hành Chỉ thị số 08 về duy tu, sửa chữa và kè chống sạt lở các tuyến giao thông bộ. Tiếp sau đó, năm 2019, Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 09 về vấn đề này. Qua gần 9 năm triển khai thực hiện, cán bộ và nhân dân trong huyện đã có sự đồng thuận cao, tạo nên bước đột phá trong công tác duy tu, sửa chữa đường bộ. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã duy tu, sửa chữa gần 5.000m lộ bê-tông bị xuống cấp, làm gần 65.000m kè chống sạt lở.

Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về việc làm kè chống sạt lở theo các tuyến lộ. Tùy theo điều kiện của hộ gia đình, sẽ kè bằng bê-tông hoặc cây gỗ địa phương, trồng cây chống sạt sở… nhằm bảo đảm cho các tuyến lộ được sử dụng lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Tân Hưng Tây là xã có nhiều hộ dân thực hiện tốt Nghị quyết này. Để ngăn chặn tình trạng sạt lở đất, hơn 2 năm qua, gia đình ông Lương Văn Bớt (ấp Tân Phú Thành) tự bỏ kinh phí hơn 70 triệu đồng làm bờ kè chống sạt lở bằng bê-tông với chiều dài trên 70m. Với những hộ ít có điều kiện kinh tế hơn, bà con cũng rất ý thức trong việc làm kè ngăn sạt lở. Hộ ông Phan Văn Huấn (ấp Hưng Hiệp) làm kè bằng cây gỗ địa phương kết hợp trồng cây mắm, cũng đem lại hiệu quả cao trong chống sạt lở. Chiều dài mặt tiền đất trên 150m, ông Huấn đã làm bờ kè và trồng mắm được hơn 1 năm nay. Theo ông Huấn, mắm là loại cây dễ trồng, có thể dùng hạt hoặc cây con, với đặc tính lớn nhanh, sống lâu, bộ rễ chùm bám chặt trong đất nên phù hợp để trồng ven sông chống sạt lở; để đảm bảo mật độ rễ của cây mắm đủ khả năng chống sóng, khoảng cách trồng cây phải từ 8dm đến 1m; trong một năm, bộ rễ của những cây mắm sẽ tiếp giáp nhau, tạo nên sự chắc chắn để bám giữ đất.

Ông Lương Văn Bớt (thứ 2 từ trái sang) đầu tư hơn 70 triệu đồng để xây bờ kè chống sạt lở.

Với mặt tiền đất ven sông dài trên 100m, nếu làm kè bằng bê-tông thì chi phí rất cao, nên hộ anh  Nguyễn Trí (ấp Hưng Hiệp) đã chọn cách trồng dừa nước chống sạt lở trước phần đất gia đình, được hơn 5 năm qua. Anh Trí chia sẻ: “Mô hình này rất hiệu quả, dừa nước rễ rất nhiều và ăn sâu, chống sạt lở rất tốt. Đồng thời, cách làm này còn mang lại hiệu quả kinh tế từ việc bán lá, trái dừa nước”.

Anh Nguyễn Trí (bìa phải) trồng dừa nước chống sạt lở rất hiệu quả.

Hơn 5 năm qua, xã Tân Hưng Tây duy tu, sửa chữa gần 10.000m lộ bê-tông bị xuống cấp, kè chống sạt lở gần 40.000m, chủ yếu là trồng cây gỗ địa phương như mắm, đước, dừa nước. Ông Lương Minh Trường, Phó Chủ tịch UBND xã: “Khi công trình lộ bê-tông mới nghiệm thu đưa vào sử dụng, xã đã chỉ đạo, vận động ngay nhân dân ký cam kết có trách nhiệm bảo vệ, duy tu, sửa chữa, làm kè chống sạt lở. Thời gian qua, sau khi triển khai, nhân dân trên tuyến rất đồng tình, ủng hộ và đã sửa chữa hàng ngàn mét lộ, có ý thức trồng cây bảo vệ phần đất của gia đình mình không bị sạt lở, để các công trình cầu, lộ sử dụng được lâu dài hơn”.

Việc ban hành Nghị quyết 09 của Huyện ủy Phú Tân đã đáp ứng đúng tình hình thực trạng giao thông hiện nay, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân, được đông đảo cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, từ đó góp phần đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *