Lo ngại với chỉ số PCI của Cà Mau

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Cà Mau năm 2017 đạt 59,83 điểm (tăng 3,47 điểm so với năm 2016), xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 3 hạng so với năm 2016), nằm trong các tỉnh, thành phố thuộc nhóm trung bình, xếp thứ 13/13 tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá các nhóm chỉ số thành phần thấp điểm, giảm điểm cần lưu ý là: Tính minh bạch, thiết chế pháp lý, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tính năng động, tiếp cận đất đai, chi phí gia nhập thị trường và chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước. Việc tăng hạng và có chỉ số tăng điểm là một ghi nhận về nỗ lực của địa phương. Song, qua kết quả này cũng cho thấy trong PCI của Cà Mau vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ, thách thức; tốc độ cải thiện PCI của địa phương vẫn còn chậm so với các tỉnh, thành phố cả nước nói chung và so với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Việc tiếp nhận và xử lý kịp thời ý kiến phản ảnh của người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ là giải pháp hiệu quả trong nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động cải cách hành chính tại địa phương.

PCI là chỉ số mang tính định lượng để đánh giá về chất lượng điều hành và thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Nó được xem là công cụ chính sách, hướng tới thay đổi tư duy nhận thức và thực tiễn trong quá trình hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở, mang lại lợi ích thiết thực nhất cho xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn là thông điệp kêu gọi đầu tư và 10 chỉ số thành phần là thông điệp cam kết thông qua các chính sách đã được minh bạch và được kiểm duyệt bằng các tiêu chí cụ thể, tạo tiền đề và củng cố niềm tin cho hoạt động thu hút đầu tư.

Trong những năm trở lại đây, khi chỉ số PCI được công bố, ngay lập tức, UBND tỉnh Cà Mau đã có nhiều cuộc họp đánh giá nguyên nhân, tìm ra giải pháp khắc phục với quyết tâm cao độ và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, với mục tiêu cải thiện và nâng cao chỉ số PCI. Theo đó, hàng loạt hạn chế yếu kém được chỉ ra, kèm theo đó là triển khai những giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, qua một năm thực hiện thì kết quả vẫn không mấy khả quan, tín hiệu mừng chưa thật sự đến với Cà Mau, và xếp thứ hạng chót trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là những gì mà địa phương đạt được trong những năm gần đây. Câu hỏi đặt ra là vì sao?

Cụ thể, để nâng cao chỉ số cải cách hành chính (CCHC), chỉ số PCI của tỉnh 2017, Cà Mau đã đặt ra nhiều nhóm nhiệm vụ thực hiện, trong đó nhóm nhiệm vụ được đưa lên hàng đầu là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính của tỉnh, trong việc thực hiện công tác CCHC. Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 09/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế một cửa, một cửa liên thông đối với tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết TTHC tại đơn vị; thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC, công bố và cập nhật kịp thời TTHC theo quy định, niêm yết công khai TTHC.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong nâng cao chỉ số CCHC, cải thiện chỉ số PCI nhằm kiến tạo môi trường thực sự thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, hấp dẫn, tạo động lực để thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Những nhóm nhiệm vụ này có ảnh hưởng lớn đến các chỉ số thành phần cấu thành chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, gồm: Tính minh bạch, thiết chế pháp lý, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tính năng động, tiếp cận đất đai, chi phí gia nhập thị trường và chi phí thời gian thực hiện các quy định nhà nước. Tuy nhiên, những chỉ số thành phần này lại là những chỉ số thấp điểm, giảm điểm cần lưu ý trong năm qua. Điều này cho thấy cách thức, hành động của các cấp chính quyền có phù hợp với tình hình thực tế hay không? Điều này đồng nghĩa với việc còn khá nhiều lỗ hổng trong giải pháp đang thực hiện, cũng như sự quyết tâm, tính đồng bộ, đồng lòng, mức độ sáng tạo mang tính đột phá của quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vấn đề cần phải suy ngẫm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *