Ngăn chặn sụt lún đất: Đề xuất đưa nước mặn vào để tạo phản áp

“Dự báo mùa khô năm 2020 có thể kéo dài đến tháng 5, thậm chí tháng 6. Trong khi hiện nay tình hình sụt lún, sạt lở đã xảy ra nghiêm trọng, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhưng chưa có hiệu quả. Nếu kéo dài đến hết mùa khô, thiệt hại sẽ rất lớn. Vì vậy, trong khi chờ đợi nghiên cứu thực hiện biện pháp căn cơ, lâu dài, trước mắt đòi hỏi phải có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời để giảm thiểu thiệt hại”, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nói.

Nguy cơ chia cắt giao thông do sụt lún đất

Thống kê của UBND tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay đã có 907 vị trí sụt lún với tổng chiều dài hơn 21.600m, trong đó tập trung gần như hoàn toàn tại các địa phương thuộc bờ Bắc Sông Đốc (vùng ngọt hóa) huyện Trần Văn Thời với 905 vị trí, chiều dài 21.300m.

Đáng chú ý là đã xảy ra sụt lún ở các tuyến đường do cấp tỉnh quản lý với các vị trí trên tuyến Tắc Thủ – Vàm Đá Bạc, Cơi Năm – thị trấn Trần Văn Thời; cùng với đó là nhiều vết rạn nứt trên tuyến Co Xáng – Cơi Năm – Đá Bạc, nguy cơ sụt lún trong thời gian tới là rất cao. Báo động hơn, khi liên tiếp xảy ra 2 vụ sụt lún tuyến đê biển Tây với chiều dài gần 200m trên địa bàn xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), với nhiều vị trí lún sâu khoảng 2m, giao thông bị chia cắt hoàn toàn, nguy cơ nước mặn xâm nhập vùng ngọt hóa, nhất là vào thời điểm triều cường hằng tháng. 

Vào rạng sáng ngày 30/1, tại Km 21+130 đoạn qua khu vực Nông trường 402 (thuộc giai đoạn 1 dự án đường Tắc Thủ – Vàm Đá Bạc) xảy ra tình trạng sụt lún làm hư hỏng nền, mặt đường một đoạn tuyến với chiều dài khoảng 20m. Ngành chức năng đã phải tạm dừng cho xe ô tô lưu thông qua khu vực này.

Nguyên nhân sụt lún được xác định ban đầu chính là do mất phản áp của nước vào  thành bờ sông gây ra. Ngoài ra còn do các nguyên nhân khác như: đặc điểm địa chất yếu, một số công trình hạ tầng nằm gần bờ sông, gia tải lớn, lòng sông sâu… gây ra sạt lở, sụt lún.

Hiện trạng sụt lún đường giao thông trên đê biển Tây.

Biện pháp trước mắt được các cơ quan chuyên môn của tỉnh đề xuất là đưa vào hệ thống sông, rạch một lượng nước mặn phù hợp để tạo phản áp lên bờ kênh, khắc phục sụt lún, sạt lở. “Chúng tôi nhận thức đây là vấn đề mâu thuẫn, bởi chúng ta đang cố gắng quy hoạch đây là vùng ngọt hóa”, ông Lê Văn Sử chia sẻ, đồng thời dẫn chứng một thực tế: trước sự cố xảy ra tại cống Trùm Thuật, một phần nước mặn xâm nhập vào khu vực xã Khánh Hải đã tạo sự ổn định lòng sông, không gây thiệt hại từ việc sụt lún đất.  

Chưa có lời giải về nước sạch sinh hoạt

Dù có sự chuẩn bị từ khá sớm, tuy nhiên đến thời điểm này trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 18.000ha các trà lúa bị thiệt hại, trong đó hơn 12.500ha bị thiệt hại trên 70%; tập trung nhiều nhất trên trà lúa – tôm (hơn 15.900ha).

Hạn hán cũng đã làm 20.542 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Cùng với đó, hiện có trên 14.000ha rừng đang ở mức cảnh báo cấp cực kỳ nguy hiểm, trong khi đó một vấn đề đặt ra là khi có sự cố xảy ra thì sẽ không có nguồn nước để xử lý.

Nêu ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến thiệt hại sản xuất vùng ngọt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng, cơ bản là do thiếu nước. “Hệ thống thủy lợi chưa được khép kín, trong khi trong cùng một vùng sản xuất mà địa hình cao thấp khác nhau, nơi gò nơi trũng, được này thì mất kia”, ông Sử nêu thực tế địa hình sản xuất vùng ngọt Cà Mau. Dù có nhiều cố gắng, tỉnh cũng chỉ mới giải quyết được nước sinh hoạt cho khoảng 12% hộ dân vùng nông thôn, còn trên 180.000hộ phải sử dụng nước bằng việc khai thác mạch nước ngầm, nhỏ lẻ hộ gia đình; một số vùng không khai thác được, nhiễm mặn… “Khai thác nước ngầm thì ảnh hưởng đến tình trạng sụt lún, nguồn nước ô nhiễm, Cà Mau đang thật sự khó khăn, chưa tìm được lời giải đáp”, ông Sử nhìn nhận.

Về lâu dài, Cà Mau đề xuất nghiên cứu xây dựng hệ thống kênh trục, cấp nước ngọt theo hình thức cưỡng bức (bơm) từ sông Hậu về phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các tỉnh ven biển vùng Bán đảo Cà Mau, hoặc nghiên cứu xây dựng hệ thống hồ chứa quy mô lớn ở vùng ngọt (U Minh); xây dựng, khôi phục lại hệ thống ao, hồ theo cụm, tuyến dân cư “giếng làng” để trữ nước mưa phục vụ sản xuất, sinh hoạt…

Ngay sau khi nắm thông tin tình hình từ địa phương, trong hôm nay, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia và nhà khoa học có buổi khảo sát thực tế tình hình sụt lún đất, xâm nhập mặn; tình hình thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt; phòng chống cháy rừng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *