Nhiều tồn tại trong hoàn thiện thể chế

Quy định khó thực thi

Trong năm 2020, tổng số văn bản đã có chủ trương ban hành là 68, gồm 14 nghị quyết và 54 quyết định. Đến nay, đã ban hành 5 nghị quyết, 16 quyết định; còn phải tiếp tục ban hành từ nay đến cuối năm là 47 văn bản (9 nghị quyết và 38 quyết định). Ông Phạm Quốc Sử, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng: “So với những năm trước đây, chất lượng dự thảo các quyết định, nghị quyết tiếp tục được cải thiện, theo hướng chất lượng hơn, kịp thời ban hành quy định chi tiết các nội dung do văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cấp trên giao hoặc đề ra các biện pháp phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương được thực hiện khá tốt. Hoạt động dự thảo, góp ý, thẩm định VBQPPL được quan tâm, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hoạt động hoàn thiện thể chế hiện nay đang đối diện với không ít những khó khăn”.

Ông Sử phân tích, nếu xét về điều kiện và thẩm quyền, HĐND, UBND cấp tỉnh chỉ ban hành VBQPPL để hoàn thiện thể chế trên 2 điều kiện cơ bản: VBQPPL của Trung ương giao thẩm quyền và xác định giới hạn về phạm vi nội dung được quyền ban hành.

Thực tiễn cho thấy đa phần đều chậm được ban hành, tạo khoảng trống về thể chế quản lý. Nguyên nhân là do các VBQPPL của Trung ương giao thẩm quyền rất đa dạng: Luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư, quyết định. Trong đó, các luật, pháp lệnh rất ít, có thời hạn hiệu lực dài nên việc ban hành của địa phương thường kịp thời hạn có hiệu lực song song văn bản được giao quy định chi tiết.

Đối với nghị định, thông tư, quyết định thường có hiệu lực ngắn, khoảng 30 ngày, địa phương không thể ban hành kịp thời để có hiệu lực cùng với văn bản được giao quy định chi tiết, chưa nói đến việc ban hành Nghị quyết của HĐND còn có thời hạn ban hành theo kỳ họp. Vì ban hành VBQPPL phải tuân thủ theo trình tự quy định của Luật ban hành VBQPPL 2015 (theo quy trình bình thường phải mất trên 90 ngày; nên ban hành VBQPPL quy định chính sách phải mất 150 ngày), vì phải thực hiện 2 quy trình. Luật ban hành VBQPPL 2015 tại khoản 2, Điều 11 quy định: Thời hạn có hiệu lực được giao quy định chi tiết thi hành phải song song với văn bản được giao quy định chi tiết là nhiệm vụ bất khả thi, không thể thực hiện được.

Về ban hành VBQPPL để thực hiện giải pháp thi hành luật, vấn đề này xuất phát từ tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật để xác định điều kiện cần ban hành. Đây là vấn đề sáng tạo và liên quan trực tiếp đến sự năng động, tính tiên phong trong quá trình quyết định biện pháp quản lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn của từng địa phương và cần được nghiên cứu, phát huy.

Ông Sử cho biết thêm, đã qua, tỉnh đã rất sáng tạo trong việc ban hành VBQPPL thực hiện giải pháp thi hành luật rất khả thi: Quy trình tiếp cận đất đai; phối hợp giải quyết thủ tục hành chính; đối thoại và tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp… phát huy hiệu quả rất cao, được cộng đồng doanh nghiệp đồng hành chia sẻ, tác động tích cực đến môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, trong thực tiễn còn nhiều lĩnh vực cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp thi hành phù hợp.

Thêm vào đó, nhận thức và tuân thủ quy định pháp luật về quy trình xây dựng văn bản, đặc biệt là bước lập đề nghị; một số sở, ngành khi xây dựng đề xuất còn tình trạng nội dung sơ sài, thiếu thông tin, không đủ cơ sở pháp lý để khẳng định sự cần thiết phải ban hành văn bản quy định chi tiết; đặc biệt là đề xuất về xây dựng chính sách, chưa đáp ứng đúng các yêu cầu về trình tự, thủ tục, nội dung.

Nhiều chủ trương xây dựng VBQPPL được ban hành phải gia hạn thời gian, tách, nhập, dừng ban hành còn khá nhiều. Nhiều văn bản dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nguyên nhân do việc thành lập Tổ soạn thảo và thực hiện hoạt động soạn thảo có nhiều trường hợp giao cho đơn vị cấp phòng thực hiện, thiếu cán bộ có kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và không có lãnh đạo đơn vị tham gia nên chất lượng, hiệu quả còn hạn chế. Đây cũng là tồn tại, hạn chế rất cần được quan tâm.

Tại hội nghị tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020, ông Phạm Quốc Sử, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đã chỉ ra nhiều điểm tồn tại, hạn chế trong hoạt động hoàn thiện thể chế tại Cà Mau.

Cần  giải pháp phù hợp

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, ông Phạm Quốc Sử cho rằng cần có giải pháp khắc phục tối đa tình trạng bỏ sót; chậm phát hiện để tham mưu ban hành VBQPPL được giao quy định chi tiết thi hành, thông qua việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo dõi thi hành pháp luật của từng ngành, từng cơ quan đơn vị. Phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tự kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL theo ngành, lĩnh vực phụ trách để kịp thời phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đình chỉ thi hành, tạm đình chỉ thi hành hoặc ban hành VBQPPL thay thế khi văn bản không còn phù hợp, hạn chế tối đa hậu quả pháp lý có thể phát sinh liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo và thiệt hại về vật chất.

Thêm vào đó, công tác thẩm định VBQPPL là khâu kiểm soát rất quan trọng thuộc trách nhiệm của ngành Tư pháp. Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng trong một số trường hợp cụ thể, chất lượng thẩm định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Ngành Tư pháp sẽ tiếp tục có giải pháp đảm bảo hoạt động thẩm định phát huy tốt hiệu quả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *