Nỗ lực và duy trì tốt các hoạt động chăm sóc đối tượng bảo trợ và nuôi dạy trẻ khuyết tật

Nếu tăng số lượng đối tượng bảo trợ thì cơ sở vật chất sẽ không đảm bảo

Theo báo cáo, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 107 đối tượng, trong đó có 51 cụ già gồm mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, thân nhân gia đình chính sách và người già cô đơn không nơi nương tựa; cùng 56 trẻ bị bỏ rơi, lang thang, khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Đua đang được phụng dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Với số lượng đối tượng hiện nay thì cơ sở vật chất vừa đủ để đáp ứng thực tế; dự kiến những năm tiếp theo có thể tăng thêm đối tượng (do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, nội dung mở rộng thêm). Nếu tăng số lượng thì cơ sở vật chất Trung tâm sẽ không đảm bảo nơi ở và điều kiện sinh hoạt cho đối tượng.

Ông Trần Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thông tin, người cao tuổi Cà Mau hiện có 107.160 người, chiếm 8,93% dân số cả tỉnh. Ước tính tỷ lệ người cao tuổi có nhu cầu được chăm sóc, nuôi dưỡng theo hình thức dịch vụ là 0,2%, tương đương khoảng 200 người. Trung tâm đã được phê duyệt dự án, giai đoạn 2021-2025 sẽ đưa vào hoạt động cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người già theo hình thức dịch vụ.

Tại mỗi đơn vị Đoàn đến thăm, Vietel Cà Mau trao tặng 30 triệu đồng.

Trung tâm kiến nghị cần có chủ trương quy hoạch đồng bộ: Khu hành chính, khu đối tượng bệnh nặng, khu vật lý trị liệu, khu phục hồi chức năng, khu lao động sản xuất, khu bảo vệ khẩn cấp… Đầu tư thêm nhà ở cho các cụ, các cháu; khu vui chơi cho trẻ, tập dưỡng sinh cho các cụ; nơi đặt di ảnh, thờ phụng các cụ và các cháu sau khi qua đời…

Thiếu giáo viên dạy trẻ khuyết tật

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân thăm hỏi các bé tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh (tiền thân là Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật) có 210 học sinh với 29 lớp, gồm các đối tượng khuyết tật nghe, nói, nhìn và tự kỷ.

Cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân tặng 10 triệu đồng cho Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm cho rằng, khó khăn lớn nhất của Trung tâm là thiếu giáo viên. Trung tâm được giao 60 biên chế, tuy nhiên hiện tại chỉ có 46 biên chế, do nghề đặc thù nên nhiều giáo viên khó đáp ứng nhu cầu. Với nhu cầu học tập của trẻ khuyết tật ngày càng tăng, một vài năm tới Trung tâm sẽ thiếu trầm trọng giáo viên, phòng học và diện tích mở rộng.

Cần quan tâm công tác xã hội hóa chăm sóc đối tượng bảo trợ

Nắm bắt khó khăn của hai đơn vị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân cho biết sẽ có những chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới. Đề nghị các đơn vị cần quan tâm đến công tác xã hội hóa chăm sóc đối tượng bảo trợ, nỗ lực và duy trì tốt các hoạt động chăm sóc các đối tượng bảo trợ và nuôi dạy trẻ khuyết tật.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân cùng các thành viên Đoàn công tác tìm hiểu việc học nghề của các trẻ khuyết tật nghe, nói.

Trực tiếp đến thăm khu ở của người già, tìm hiểu hoàn cảnh học tập của các cháu, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ xúc động, cảm kích trước tình cảm của cán bộ, nhân viên, giáo viên của hai trung tâm, đã chăm sóc, nuôi dưỡng tốt các đối tượng, nhất là những người có công với nước.

“Đó không chỉ là nhiệm vụ bình thường mà là tình yêu thương lớn, cái tâm với những người có công, với những cuộc đời kém may mắn”, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ.

Nhân tết Trung thu đang đến gần, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân yêu cầu các sở, ngành phối hợp tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi tại hai trung tâm, nhằm động viên tinh thần học tập, để các bé vui tươi, lạc quan trong cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *