Siết chặt và lập lại trật tự giải ngân vốn đầu tư công

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay có 8 chủ đầu tư đạt tỷ lệ giải ngân từ 30% đến dưới 50%, 8 chủ đầu tư đạt tỷ lệ dưới 30%, có 4 chủ đầu tư chưa giải ngân (nguồn ODA). Liên quan các chủ đầu tư giải ngân dưới 30%, ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguồn này rất lớn, tập trung vào 3 chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh, Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tổng vốn quản lý gần 1.200 tỷ đồng.

Khối lượng đến đâu, giải ngân đến đó

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khi chưa có vốn thì không thể triển khai, khi được bố trí thì phải trải qua rất nhiều thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, ngay khi được bố trí vốn, như dự án xây dựng Bệnh viện Lao – Phổi của tỉnh (vốn địa phương và Trung ương hỗ trợ), lên đến hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên khi triển khai thì vướng khâu giải phóng mặt bằng, dự án đình trệ thời gian dài, nguy cơ Trung ương rút vốn, mất luôn dự án.

Đối với các dự án năm 2018 chuyển sang 2019, dự án hỗ trợ cấp bách của Trung ương, dự án hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018, ông Việt đề nghị các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn đã bố trí trước 31/12/2019. Nếu còn chậm trễ, Trung ương sẽ cắt vốn. Cụ thể, nguồn hỗ trợ cấp bách xây dựng 2 dự án kè chống sạt lở vùng biển Đông và biển Tây với 170 tỷ đồng; kè cửa biển Hương Mai (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) 35 tỷ đồng; hỗ trợ huyện U Minh xây dựng hạ tầng giao thông 87 tỷ đồng (5 cây cầu, nguồn vốn 62 tỷ đồng; lộ giao thông 25 tỷ đồng). “Các dự án đang triển khai, nhưng cần tập trung quyết liệt hơn nữa”, ông Việt đề nghị. Song song đó, yêu cầu các chủ đầu tư phải chủ động hoàn tạm ứng đối với các nhà thầu; làm tới đâu, khẩn trương xác định khối lượng giải ngân đến đó; xử lý nhà thầu vi phạm hợp đồng.

“Điều mà tỉnh quan tâm hiện hay là có nhà thầu trúng thầu quá nhiều, nên khi triển khai dự án rất chậm, không đủ phương tiện, nhân lực, cần chấm dứt, xử lý sớm…”, ông Việt nói.

Tại Phiên họp trực tuyến UBND tỉnh sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2019, diễn ra tuần qua, vấn đề đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công tiếp tục là chủ đề chính được các đại biểu quan tâm. Ảnh: Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải trình những nội dung liên quan đến tiến độ giải ngân các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh xem xét giao một số dự án đầu tư xây dựng cho các ban quản lý dự án làm chủ đầu tư, thay vì cho Sở như đã qua, nhằm giảm áp lực; điều này được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi thống nhất về mặt chủ trương.

Nguyên nhân do… chủ quan, năng lực?

“Bằng bất cứ giá nào, năm nay phải khởi công xây dựng Dự án Bệnh viện Lao – Phổi tỉnh. Không triển khai được, Trung ương rút vốn hỗ trợ, đồng nghĩa dự án sẽ không thể thực hiện, như thế là có tội với nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh và cho biết sẽ xử lý đến nơi đến chốn trách nhiệm những người có liên quan, nếu dự án không được triển khai trong năm nay.

Đi vào thực tế các dự án, ông Phan Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND TP. Cà Mau, cho biết: “Công tác giải phóng mặt bằng theo phương án bồi hoàn Dự án Bệnh viện Lao – Phổi của tỉnh, Hội đồng thành phố đã thẩm định rồi. Tuy nhiên, có 8 vấn đề mà TP. Cà Mau kiến nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh phải bổ sung. Thế nhưng, vẫn còn nhiều vướng mắc trong mối quan hệ giữa lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và phòng chuyên môn(?). Bên cạnh đó, trong phương án có ký giáp ranh với nhau, nhưng có người đã mất (chết) rồi vẫn còn ký được, không biết thực hư thế nào, rất khó cho thành phố”.

Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị hiện đang đảm trách 22 dự án, công trình năm 2019 và chuyển từ năm 2018, với tổng nguồn đầu tư khá lớn, lên đến 1.038 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay cũng chỉ giải ngân được khoảng 30%. Nguyên nhân chậm, được ông Triều lý giải là do công tác  giải phóng mặt bằng còn khó khăn. “Khi đầu năm đấu thầu, đơn vị nào trúng thầu thì chủ đầu tư cho tạm ứng, tới thời điểm này thì nhà thầu chỉ trả khối lượng đã ứng, hoàn tạm ứng. Thêm nữa là do điều chỉnh quy mô đầu tư nên công tác giải ngân có chậm tiến độ”, ông Triều giải thích và cho biết trong tuần này, đơn vị sẽ mời các nhà thầu chậm tiến độ để xử lý, nội dung nào vượt quyền sẽ báo cáo UBND tỉnh để giải quyết dứt điểm, đúng theo quy định của pháp luật.

Thông tin trực tiếp từ các ban quản lý dự án, ông Trương Lĩnh Trang, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng của tỉnh, cho biết đơn vị được giao thực hiện 7 dự án, tỷ lệ giải ngân đến nay chỉ đạt 28%, tương đương 84 tỷ đồng. “Sẽ quyết liệt, đến tháng 9 cố gắng giải ngân khoảng trên 70% và cuối năm đạt 95 – 96%”, ông Trang nói, đồng thời cho biết trong quá trình thực hiện cho thấy khâu chuẩn bị đầu tư quá kéo dài, thường từ 7 – 8 tháng, trải qua quá nhiều các bước mang tính thủ tục: Nhận chủ trương đầu tư, ý tưởng thiết kế, thông qua các ngành, thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế thi công, thông qua đấu thầu… Cùng với đó, khi thực hiện một dự án, do chưa có sự thống nhất trong giao thẩm định, nhiều ý kiến khác nhau trong từng giai đoạn, càng làm tiến độ thực hiện dự án thêm kéo dài, tiến độ giải ngân không thể rút ngắn.

Trước phản ảnh của lãnh đạo Ban Quản lý dự án các công trình giao thông về việc Sở Xây dựng thẩm định trả lại nhiều lần, ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, dù Sở đã yêu cầu “chỉnh sửa” nhưng đơn vị tư vấn không thực hiện đạt theo yêu cầu, nên khi trình Sở thẩm định lại, phải tiếp tục trả lại, dẫn đến điều chỉnh nhiều lần, chứ không phải Sở mỗi lần làm chỉ hướng dẫn 1 vấn đề.

Liên quan vấn đề này, ông Hùng cho biết, các đơn vị tư vấn được chọn tham gia thực hiện dự án đều đã được cấp giấy chứng chỉ hành nghề, có xếp hạng hẳn hoi, nhưng không hiểu sao chất lượng chưa đạt theo yêu cầu về mặt chuyên ngành. Chứng minh nội dung này, ông Hùng đưa ra con số, có đến 25 – 30% hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công từ các đơn vị tư vấn trình thẩm định phải trả lại điều chỉnh do không đạt yêu cầu.  

Đề nghị làm rõ trách nhiệm các chủ đầu tư

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi cho biết, thông tin mà ông có được, có doanh nghiệp thực hiện thi công đạt khối lượng so sánh 10 đồng, nhưng chủ đầu tư chỉ giải ngân có 3 đồng. “Phải chăng do thủ tục giải ngân chậm, dẫn đến khối lượng thi công và giá trị giải ngân chênh lệch khá xa, làm cho giá trị giải ngân chung của tỉnh chậm tiến độ hay vì lý do nào khác?”, ông Bi đặt vấn đề. Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh tỏ rõ thái độ không hài lòng khi nguồn từ xổ số kiến thiết đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, nhất là đối với những công trình chuyển tiếp, cũng chỉ giải ngân khoảng 22%, và cho rằng như thế là không thể chấp nhận được. “Dự án chuyển tiếp thì làm gì còn vướng về mặt thủ tục, mặt bằng, có phải chăng nguyên nhân là sự chủ quan trong điều hành của chủ đầu tư?”, ông Lâm Văn Bi đặt vấn đề về năng lực, trách nhiệm của các chủ đầu tư khi được giao nhiệm vụ, đồng thời khẳng định đổ do cơ chế, trình tự thủ tục, mặt bằng là không đúng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm báo cáo Thường trực UBND tỉnh trách nhiệm các chủ đầu tư, các sở, ngành liên quan xoay quanh việc không hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch đầu tư công năm 2018. Bởi thực tế, đến cuối năm 2018, các ngành, đơn vị, địa phương đánh giá là đã giải ngân hết, nhưng đến khi khóa sổ vào ngày 31/1/2019 (hết hạn giải ngân), vẫn còn “lọt sổ” một số trường hợp phải chuyển nguồn. “Tôi đã nắm thông tin, nhưng các cơ quan chuyên môn đến giờ chưa báo cáo, đề nghị làm rõ trách nhiệm các chủ đầu tư này”, ông Lâm Văn Bi chỉ rõ, đồng thời khẳng định đây không phải do khách quan, mà là sự chủ quan của các chủ đầu tư trong điều hành.

Năm 2019, phải báo cáo chi tiết hơn, làm rõ hơn vì sao những công trình chuyển tiếp đến giờ giải ngân ì ạch. Phải làm rõ vì sao các dự án từ nguồn xổ số kiến thiết là rất có nhu cầu, có tiền mà xài không được? Với các nguồn Trung ương hỗ trợ, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải theo dõi, báo cáo định kỳ, làm rõ nguyên nhân… tránh tình trạng Trung ương đưa vốn về mà địa phương không sử dụng, giải ngân kịp thời, để Trung ương không hỗ trợ tiếp, hoặc cắt nguồn. “Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”, ông Bi chỉ đạo.

Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo cần chấn chỉnh hoạt động nhằm nâng chất các đơn vị nhà thầu, tư vấn, thi công, nhất là việc một nhà thầu tham gia quá nhiều công trình dẫn đến thiếu năng lực thi công. Đến ngày 15/8 tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải báo cáo Thường trực UBND tỉnh tình hình thực tế quá trình đầu tư, tiến độ giải ngân các công trình, dự án trên địa bàn, để từ đó xem xét, cân nhắc, cần thiết điều chuyển vốn, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xử lý trách nhiệm những đơn vị liên quan.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *