“Thần đèn” nâng công trình 1.500 tấn tại Cà Mau

Nói đến “thần đèn”, có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với ông Nguyễn Cẩm Lũy. “Hổ phụ sinh hổ tử”, ông Nguyễn Văn Lý giờ cũng không kém cạnh người cha của mình, với việc nâng công trình hay di dời nhà khắp các tỉnh, thành cả nước. Từ Chợ Mới (An Giang), ông cùng các cộng sự về Cà Mau nâng tòa nhà chính Thánh thất Cao Đài tại Phường 5, TP. Cà Mau nhằm chống ngập.

Tòa nhà chính của Thánh thất Cao Đài (Phường 5, TP. Cà Mau) đã được nâng lên cao 2,2m nhằm chống ngập, hiện đang tiến hành đóng cọc và ráp nối với hệ thống đà kiềng tòa nhà sau nâng.

Làm từ nhà gỗ đến nhà tường

Ông Lý kể, gia đình vốn có truyền thống làm nghề mộc 3 đời, chuyên cất nhà bằng cây gỗ. Rày đây mai đó, từ Campuchia về Việt Nam hành nghề. Có những căn nhà còn khá mới, nhưng gia chủ làm ăn “trật trẹo” nên muốn tháo dỡ, sử dụng lại chính những vật liệu ấy cất nhà ở vị trí mới. Mà trong quá trình tháo ra, di chuyển, ráp vào gặp rất nhiều khó khăn, khá tốn kém, kéo dài, có khi lại thiệt hại vật liệu, gia chủ tỏ ý không hài lòng.

Trăn trở với nghề, cha ông (“thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy – NV) nghĩ rằng tại sao không di dời nguyên căn nhà sang vị trí mới sẽ giữ nguyên bản. Sau thành công di dời nhà gỗ, câu hỏi đặt ra là tại sao không thể di dời nhà tường? Và cứ thế, nghề dạy nghề, sự sáng tạo và kinh nghiệm được hình thành dần, từ di chuyển nhà đến chỉnh hướng nhà, chống nghiêng nhà, nâng nhà…, nhiều “dịch vụ” được ra đời, đáp ứng theo mọi nhu cầu của gia chủ.  

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Lý ngay tại công trình không bao giờ được trọn vẹn, vì chốc lát lại có cộng sự hỏi ý kiến của ông về những công việc phải làm, và ông lại chạy tới, chạy lui, trực tiếp có mặt tại những vị trí cần được xử lý.

Hệ thống nâng tòa nhà sau khi cắt chân cột được bố trí dày đặc theo các đà kiềng chân tòa nhà nhằm tạo sức chịu đựng cũng như sự đồng đều, vững chắc của công trình được nâng.Với khoảng cách nâng cao 2,2m, bên cạnh việc sử dụng cọc gỗ thay cọc bê tông sau khi được cắt bỏ, là hàng tấn cây gỗ, bao đất nhằm giữ tính ổn định của công trình sau nâng. Mọi công việc, vị trí đều được tính toán, thực hiện một cách cẩn thận, chi tiết, đồng đều.

“Cũng không có gì gọi là bí quyết, cái quan trọng nhất là phải thật cẩn thận, tỉ mỉ, chi tiết, cụ thể, làm từng chút một, không vội vàng”, ông Lý nói về phương pháp di dời hay nâng cao công trình, đồng thời cho biết mỗi công đoạn có cái khó riêng, nhưng rất cần những người thợ lành nghề, có trách nhiệm cao và đặc biệt là phải tính toán thật kỹ, vì chỉ cần “sai một li là đi một dặm”. 

Khác với việc xây dựng một công trình mới, việc nâng một công trình, mọi phần việc tại những vị trí đều phải được thực hiện một cách đồng thời, thế nên cần có rất nhiều đội, nhóm, phụ trách từng vị trí. Trong các hình thức xử lý công trình, khó và tốn nhiều công sức nhất là việc di dời.

Công sự của ông Lý đang tiến hành đổ cọc mới cho công trình sau nâng cao. Ông Nguyễn Văn Lý thao tác việc sử dụng thiết bị bằng phương pháp thủ công nhằm nâng công trình. Công việc này xem ra khá đơn giản, nhưng phải được thực hiện một cách đồng bộ, thật chắc chắn, tránh sai sót dù nhỏ nhất.

Ông Lý kể, trước đây có di dời một căn biệt thự tại Đồng Nai từ bên này qua bên kia con lộ lớn, cùng với đó phải quay ngược lại căn nhà. Trên 2 tháng trời, mấy chục thầy thợ hì hục với hàng tấn thiết bị, làm việc cật lực không ngơi nghỉ mới hoàn thành công trình.

Cực và khó khăn là thế, song bù lại, việc di dời hay nâng nhà, chống nghiêng đối với những căn nhà, thường được gia chủ “thưởng” hậu hĩnh hơn sau phần chi trả theo hợp đồng, bởi phần lớn gia chủ là “đại gia”, anh em vì thế cũng rất phấn khởi.

Riêng việc nhận làm cho các cơ sở thờ tự, sinh hoạt tôn giáo, hầu như ông Lý chỉ lấy giá công thợ, vì biết nguồn lực tài chính của chùa, nhà thờ là của bá tánh. “Góp công sức mình vào, xem như làm công quả lấy phước”, ông bộc bạch.

Nhận niềm tin, trách nhiệm càng cao

Tòa nhà chính Thánh thất Cao Đài ước nặng khoảng 1.500 tấn, hiện đã được tiến hành nâng cao 2,2m, xem như đã xong 50% công việc. Phần còn lại sẽ tiến hành đóng cọc, chỉ vài ngày nữa sẽ kết nối với hệ thống đà kiềng tòa nhà đã được nâng. Công trình khi đó xem như cơ bản hoàn thành, còn lại chỉ là những phần việc phụ trong xây dựng.

25 năm làm nghề “thần đèn”, ông Lý không nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu công trình, đi cùng là những kỷ niệm “hú hồn”, có những chuyện mang tính tâm linh nhưng lại rất thật. Song, tất cả đều đã thành công, hoàn thiện công trình trong ánh mắt tươi vui, cái bắt tay cảm ơn của gia chủ, như tiếp thêm động lực và sức mạnh, niềm tin, tính sáng tạo để ông và các cộng sự tiếp tục làm tốt hơn, không để bất cứ sai sót nào xảy ra trong cả quá trình thực hiện công trình.

Việc di dời nhà, công trình hiện nay không còn quá xa lạ, và cũng có rất nhiều đơn vị thực hiện. Ngay như tại Chợ Mới (An Giang), đã có trên 20 đơn vị chuyên “dịch vụ” di dời nhà được thành lập. Tuy nhiên, theo ông Lý, để gia chủ tin tưởng giao thực hiện là cả quá trình, vì đấy là khối tài sản, gắn với đó là tình cảm, tâm linh, nên khi được “chọn mặt gửi vàng” chính là họ đã gửi gắm, trao trọn cả niềm tin, vì thế trách nhiệm càng cao, đó còn là uy tín với nghề, với truyền thống gia đình…

Vài ngày nữa, ông Lý cùng cộng sự mình rồi sẽ rời công trình tại Cà Mau, lại tiếp tục rong ruổi khắp ba miền “xử lý” những công trình tiếp theo, vì lịch đã lên trước đó, không kể mùa nào, mưa hay nắng.

Tòa nhà chính Thánh thất Cao Đài ngay trung tâm thành phố thì vẫn ở yên vị trí đó, với màu sắc, kiến trúc đó, song đã được nâng cao hơn, vừa đảm bảo chống ngập vừa tôn thêm sự bề thế của công trình, tăng vẻ mỹ quan cho đô thị trẻ Cà Mau – thêm một công trình nữa của sự sáng tạo, tài “phù thủy” của “thần đèn” Nguyễn Văn Lý.  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *