Thành công lớn của Đảng, thắng lợi hoàn toàn của cả hệ thống chính trị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Mỗi khi đất nước gặp khó khăn thì Việt Nam thể hiện được bản lĩnh, phát huy truyền thống tinh thần đoàn kết. Càng khó khăn, càng nỗ lực cao, quyết tâm vươn lên. Đây là thành công lớn của toàn Đảng, toàn quân, thắng lợi hoàn toàn của cả hệ thống chính trị, chế độ ta.

Thủ tướng yêu cầu cần tận dụng tốt cơ hội, giữ vững thành quả tốt đẹp này, kiên quyết không để dịch COVID-19 quay trở lại. Chúng ta phòng thủ tích cực nhưng phải trên tinh thần tiến công nhanh để phát triển kinh tế. Tam mã: Đầu tư – Xuất khẩu – Tiêu dùng, cần được đặc biệt quan tâm hàng đầu.

Tham dự Phiên họp, chủ trì tại điểm cầu Cà Mau có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Hiện, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Dũng.

Chuyển trọng tâm thực hiện “mục tiêu kép”

Thông qua báo cáo kết quả phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm tại Phiên họp, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhắc lại việc Chính phủ chủ động sớm đặt ra phương châm của năm 2020 là: ‟Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” với 6 trọng tâm chỉ đạo điều hành, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với 138 nhiệm vụ cụ thể phát triển KT-XH và 49 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, trước bối cảnh gây tác động trong nước, khu vực và toàn cầu, Chính phủ đã sớm nhận định đúng tình hình, linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài, đặc biệt là trong tình hình đại dịch COVID-19: Chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, đã nhanh chóng chuyển trọng tâm thực hiện “mục tiêu kép” – vừa khôi phục, phát triển KT-XH, vừa phòng, chống dịch hiệu quả; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tranh thủ thời cơ, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế; kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 trong “trạng thái bình thường mới”.

“Thắng lợi bước đầu đầy ý nghĩa trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là một minh chứng khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, lòng yêu nước và ý chí kiên cường của nhân dân ta, góp phần củng cố vững chắc thêm sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và sự ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, dân tộc ta”, ông Nguyễn Chí Dũng nhắc lại thành công trong ứng phó đại dịch của Việt Nam.

Tăng trưởng giữa đại dịch

Hàng loạt giải pháp mang tính đột phá chiến lược, Chính phủ ưu tiên trong tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó trọng tâm triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045…

Mặc dù đại dịch COVID-19 làm cho nền kinh tế thế giới khủng hoảng trầm trọng, nhưng đất nước ta vẫn có những điểm sáng. Nền tảng vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; nền kinh tế không bị rơi vào suy thoái, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,81%, tuy thấp nhất 10 năm qua nhưng là mức tăng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá. An ninh năng lượng và an ninh lương thực được quan tâm chỉ đạo, bảo đảm cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng vẫn dành nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin, truyền thông được triển khai phù hợp đã góp phần động viên, cổ vũ, khơi dậy truyền thống tốt đẹp, niềm tự hào dân tộc. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế, xã hội để thích ứng nhanh trong bối cảnh dịch bệnh. Thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn với cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế là ưu tiên hàng đầu hiện nay của Cà Mau, nhất là ngành kinh tế thủy sản.

Vẫn còn thiếu quyết liệt, chưa tích cực, chủ động…

Trong 3 nhóm vấn đề dẫn đến vẫn còn tồn tại, yếu kém được chỉ ra tại Phiên họp, trong đó nhấn mạnh đến việc một số bộ, cơ quan, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa tích cực thay đổi, chưa chủ động tìm hướng đi mới trong xây dựng thể chế, chính sách, chưa có nhiều đổi mới bứt phá cả về phương pháp quản lý điều hành và kết quả thực hiện nhiệm vụ; trong khi nhiều địa phương vươn lên phát triển mạnh mẽ ngay cả trong lúc khó khăn, nhưng có nơi vẫn mang tư tưởng trông chờ, phụ thuộc, tư duy lạc hậu, chậm phản ứng với những vấn đề mới phát sinh.

Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương kế thừa, phát huy những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ, tiếp tục thực hiện phương châm năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”; chủ động, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, đổi mới cách làm, nâng cao năng lực, tranh thủ thời cơ, quyết liệt hành động, động viên, khích lệ, huy động sự vào cuộc và phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh, ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Chính phủ nhấn mạnh đến việc đổi mới cách làm, tư duy quản lý, tranh thủ thời cơ, quyết liệt hành động, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra, vượt qua khó khăn, thách thức, bám sát tình hình thực tế, tiếp tục năng động, sáng tạo, chủ động thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện, tạo chuyển động toàn hệ thống để chính sách, pháp luật đi vào thực tiễn đời sống xã hội…

Phiên họp đồng thời kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm; công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; một số vướng mắc trong thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Thông tin về tình hình triễn khai gói an sinh xã hội và việc triển khai chính sách xã hội 6 tháng cuối năm; tình hình thực hiện ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cũng trong sáng nay, lãnh đạo các địa phương tham gia phát biểu tại Phiên họp, nêu những khó khăn gặp phải, đồng thời kiến nghị cần có sự trợ lực của trung ương; các Bộ, ngành giải trình những vấn đề địa phương nêu ra…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *