Xây dựng đời sống văn hóa trong gia đình người Khmer

Để xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc Khmer, yếu tố giáo dục, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ rất quan trọng.

Mặc dù cộng cư lâu đời với các dân tộc khác, song người Khmer ở Cà Mau vẫn bảo lưu tốt bản sắc văn hóa. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, ngoài chú trọng đến việc xây dựng con người trong từng gia đình, tạo điều kiện để cá nhân phát triển toàn diện trong mối quan hệ hài hòa với cộng đồng, thì yếu tố không kém phần quan trọng là xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, thực hiện kế hoạch hóa gia đình; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư.

Trong quan hệ gia đình của đồng bào dân tộc Khmer có tôn ti trật tự rõ ràng, luôn quan tâm, thương yêu và chăm sóc lẫn nhau.

Đến nay, các phum sóc ở tỉnh cơ bản có hệ thống giao thông nông thôn thuận lợi. Hộ gia đình người Khmer được sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước sạch; gần 100% hộ gia đình người Khmer có tivi và các phương tiện nghe nhìn khác; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, dân số, kế hoạch hóa gia đình, chống suy dinh dưỡng trẻ em… đều được thực hiện hiệu quả. Toàn tỉnh công nhận 204.548/284.180 gia đình văn hóa, 416/949 ấp, khóm văn hóa…

Vào những dịp lễ, tết truyền thống của dân tộc, đồng bào dân tộc Khmer luôn nhận được sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo. Bà con vô cùng phấn khởi, tích cực hăng say lao động, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.

Trong xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, người Khmer ở Cà Mau cũng đang dần thay đổi để thích nghi: Phạm vi sinh hoạt không chỉ hạn hẹp trong khuôn khổ gia đình, dòng họ, phum sóc hay chỉ quan hệ giữa những người Khmer với nhau, mà đã được mở rộng.

Gia đình ông Phạm Văn Tiển, Ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, là gia đình Khmer gương mẫu tại địa phương. Gia đình hạnh phúc, 6 người con thì đã có 2 kỹ sư, 1 thạc sĩ, bản thân ông còn tích cực tham gia vào công tác an sinh xã hội tại địa phương. Ông Tiển nói: “Người Khmer đã đến trường, vào làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp, quan hệ rộng rãi với tất cả mọi người, hòa vào nhịp sống chung của xã hội. Sự tương thân tương ái giúp đỡ nhau khi tối lửa tắt đèn, tạo nên môi trường xã hội tốt đẹp trong làng, trong xóm, tạo nên bộ mặt nông thôn đổi mới, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị của địa phương”.

Có nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu sẽ tạo nên nhiều ấp, khóm văn hóa tiêu biểu, nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng của địa phương, giảm dần sự chênh lệch mức hưởng thụ về văn hóa và mức sống kinh tế của người dân giữa các vùng trong tỉnh, đồng thời còn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Để góp phần nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng người Khmer trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nghề, tạo việc làm cho đồng bào, thực hiện tốt chính sách ưu tiên trong tuyển dụng con em đồng bào, đặc biệt là hỗ trợ về giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật trong đồng bào, nhất là về dân số – kế hoạch hóa gia đình, hôn nhân và gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em… để đồng bào nhận thức đầy đủ và tự giác tham gia thực hiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *