Khó khăn trong việc tái đàn heo

Khan hiếm nguồn con giống

Từ ngày 27/3 đến nay, 85 xã của tỉnh đã qua 30 ngày không phát sinh thêm dịch bệnh. Tuy đã công bố hết dịch nhưng người dân vẫn còn hoang mang, lo sợ khi nghĩ đến việc tái đàn.

Vào khoảng tháng 9/2019, đàn heo của gia đình chị T.K.N (Ấp 5, xã Khánh Tiến, huyện U Minh) trên 40 con (hơn 3,5 tấn) buộc phải tiêu hủy do bị dịch tả heo châu Phi. Dự tính khi xuất chuồng ngay dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, sẽ có thêm một khoản thu nhập kha khá, nhưng bỗng chốc mất luôn cả con giống để tái đàn; chị N. bị thiệt hại rất nặng nề, bởi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Từ hôm xảy ra chuyện, chị N. không dám nghĩ đến việc tái đàn, dù trên địa bàn đã không còn xảy ra dịch bệnh.

Không chỉ riêng Cà Mau mà các tỉnh lân cận cũng bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi, nên nguồn heo giống đang khan hiếm. Thời điểm hiện tại, giá heo giống dao động từ 2 – 2,3 triệu đồng/con. Việc giá cả heo giống tăng vọt khiến người chăn nuôi lo ngại vì không có vốn đầu tư. Ngoài ra, theo ghi nhận, người chăn nuôi rất sợ bị “thiệt hại kép” nếu dịch tả quay trở lại và heo hơi bán ra không được giá.

Hiện nay, việc tái đàn heo là cần thiết, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là cân đối nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân. Trên địa bàn tỉnh đã có một bộ phận người chăn nuôi nhỏ lẻ bắt đầu tái đàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, nhưng thực tế do khó khăn về nguồn giống nên đa phần người dân không tái đàn ồ ạt, mà chỉ nuôi cầm chừng.

Người chăn nuôi hãy sáng suốt khi lựa chọn con giống để tái đàn.

Tích cực hỗ trợ người chăn nuôi

Nhằm hỗ trợ và hướng dẫn các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi sớm tái đàn, khôi phục sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế tối thiểu bệnh dịch tái phát, lây lan, gây tổn thất kinh tế cho hộ nuôi, cũng như giảm bớt kinh phí hỗ trợ thiệt do dịch bệnh cho người chăn nuôi từ ngân sách tỉnh. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ông Nguyễn Thành Huy cho biết: “Tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học để tăng cường sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như khả năng kiểm soát dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên heo: Lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả heo châu Phi… góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng”.

Đồng thời, phía ngành chức năng cũng tăng cường thực hiện công tác hỗ trợ phối giống nhân tạo trên heo để thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất giống, kịp thời cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi tái đàn của người dân trong tỉnh. Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn dịch bệnh; định hướng quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi heo tập trung để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nhỏ và vừa theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường gắn với giết mổ, chế biến, tiêu thụ an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Từ những hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn, từng bước chuyển đổi dần phương thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang phương thức chăn nuôi trang trại tập trung tại các vùng được định hướng quy hoạch chăn nuôi để đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh phát sinh, an toàn vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị và hiệu quả chăn nuôi. Từ đó, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững gắn với khai thác hợp lý các lợi thế vùng về điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội.

Trước khi thả nuôi, ngoài chất lượng con giống thì phun thuốc, vệ sinh chuồng trại là điều cần thiết nhất cho việc tái đàn trong thời gian tới.

“Trong đó, chú trọng tái đàn chăn nuôi an toàn sinh học tại các trang trại chăn nuôi heo tập trung. Các hộ chăn nuôi tái đàn trong và ngoài vùng chăn nuôi tập trung phải đảm bảo các giải pháp về chăn nuôi an toàn sinh học và phải được cơ quan quản lý về thú y, chính quyền địa phương kiểm tra chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học để tái đàn. Song song đó, hỗ trợ 50% giá trị heo giống (dưới 20kg) cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh, để khôi phục và phát triển sản xuất. Mua loại giống phải có nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất giống vật nuôi, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giống. Mỗi hộ chỉ được hỗ trợ một lần để mua một trong các đối tượng: Hoặc heo con thương phẩm, hoặc heo nái hậu bị sinh sản”, ông Huy cho biết thêm.

Trước đại dịch COVID-19, thời gian qua giá heo hơi có biến động mạnh, mặc dù Thủ tướng Chính phủ chỉ định bán giá niêm yết nhưng trên thực tế giá thịt heo tại các sạp vẫn đắt đỏ và tình hình này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Chính vì giá cả heo hơi biến động mạnh nên một bộ phận người dân sẽ ồ ạt nuôi, dẫn đến tình trạng mất kiểm soát về nguồn con giống. Người dân nên thông thái chọn lựa giống tại địa phương để đảm bảo an toàn, thay vì nhập từ các tỉnh khác mà không rõ nguồn gốc; đồng thời thực hiện đúng nguyên tắc thận trọng, an toàn, kiểm soát chặt chẽ, có lộ trình phù hợp, phát triển bền vững đàn vật nuôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *