Cà Mau có 17 trường THCS tự nguyện tham gia mô hình VNEN

Đó là báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Dự án Mô hình trường học mới và định hướng nhiệm vụ năm học 2016 – 2017, tại Trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm (xã Khánh An, huyện U Minh) vào ngày 12/5.

Đến dự có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các thầy cô thuộc Phòng Giáo dục của các huyện, TP. Cà Mau.

Sau 4 năm triển khai dự án, giáo viên, học sinh đã thích nghi với phương pháp dạy, phương pháp học VNEN.

Trong năm học 2015 – 2016, ngoài 14 trường thuộc dự án, có thêm 16 trường tiểu học tự nguyện áp dụng mô hình; có 17 trường THCS tự nguyện áp dụng cho khối lớp 6 với số lượng 1.957 học sinh tham gia.

Dự án này đã đổi mới rõ rệt hoạt động sư phạm. Giáo viên từ chỗ giảng giải, truyền thụ kiến thức chuyển sang tổ chức, hướng dẫn, giám sát học sinh. Học sinh từ chỗ tiếp thu thụ động sang biết cách tự học theo tài liệu hướng dẫn, với sự hỗ trợ đúng lúc và kịp thời của giáo viên; chủ động, tích cực hoạt động ở lớp và hoạt động ứng dụng ở nhà; có nhiều cơ hội để tham gia, bày tỏ ý kiến, học sinh yếu được quan tâm nhiều hơn, để tiến kịp các bạn.

Ưu điểm của mô hình VNEN nữa là quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các ban của “Hội đồng tự quản học sinh” do các em bầu ra và trao đổi. Từ đó không khí lớp học sinh động; môi trường giáo dục thân thiện tích cực; học sinh mạnh dạn, tự tin…

Công tác quản lý, nhận thức, năng lực của cán bộ quản lý, của đội ngũ giáo viên, cha mẹ học sinh, cộng đồng về mô hình này đã được thay đổi và nâng cao.

Tuy nhiên, trong 4 năm thực hiện Dự án, bước đầu một số trường tiểu học chưa đảm bảo đủ phòng để tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Phòng học thiết kế với diện tích hẹp nên ảnh hưởng đến việc thiết kế không gian lớp học và sắp xếp bàn ghế để học nhóm. Một số giáo viên còn lúng túng khi thực hiện phương pháp học nhóm. Một số ít học sinh còn thụ động, ỷ lại, ảnh hưởng đến tiến trình dạy học, làm cho giáo viên mất nhiều thời gian.

Trong năm học 2016 – 2017 sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình theo Dự án GPE-VNEN tại 30 trường tiểu học và 17 trường THCS; đồng thời, chỉ đạo có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt, dạy học theo tài liệu tiếng Việt lớp 1 – công nghệ giáo dục, tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên tham quan, trao đổi giữa các trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *