Cà Mau – vùng đất nhiều cơ hội đầu tư

LTS: Là một trụ trong “Tứ giác động lực” phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Cà Mau được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, nhất là trong lĩnh vực, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, lĩnh vực du lịch và Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm. Thêm nữa, tỉnh có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển là 254km, thuộc hành lang ven biển phía Đông của vùng biển Tây Nam Bộ, lại nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, nhất là trong vùng vịnh Thái Lan, là những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn, có tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch biển, đảo. Tất cả những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trên đã tạo cho Cà Mau những lợi thế so sánh không dễ có được đối với một số tỉnh khác trong khu vực.

Một vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế; con người năng động, nhạy bén, thân thiện, phóng khoáng, đậm khí chất miền Tây sẽ là một lực hút không nhỏ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đặt chân đến đây.

Với mong muốn cùng chung tay góp sức trong việc mời gọi đầu tư vào Cà Mau, từ số báo này, Báo ảnh Đất Mũi sẽ khởi đăng loạt bài: Cà Mau – vùng đất nhiều cơ hội đầu tư, nhằm phác họa một vài nét son trên nền bức tranh với nhiều gam màu sáng trong lĩnh vực thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh cả hiện tại và tương lai cung cấp đến bạn đọc.

Kỳ 1:Cà Mau trong “Tứ giác động lực”

“Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, có đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của đất nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng ĐBSCL giàu mạnh, tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh quốc phòng vững chắc”. Đó là mục tiêu đặt ra tại Quyết định 245, ngày 12/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt Quy hoạch Tổng thể ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đô thị TP. Cà Mau là điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư đến Cà Mau. Ảnh: VĂN ĐUM

Nhiều cơ chế, chính sách tạo xung lực phát triển

Với diện tích 39.734km², chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, thủy sản, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội ĐBSCL nói chung, Cà Mau nói riêng. Vùng đất này đã có sự thay da đổi thịt rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện; đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,  ĐBSCL nói chung, Cà Mau nói riêng có nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực, phân cấp giữa địa phương và Trung ương còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; các cơ chế điều phối phát triển vùng ĐBSCL chưa phát huy tác dụng. Thực tế đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước, cụ thể là Chính phủ cần có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, đột phá nhằm huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững ĐBSCL.

Chính vì tầm quan trọng đó, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo đã, đang và sẽ được Chính phủ ưu tiên hàng đầu, trong đó lấy con người làm trung tâm, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của ĐBSCL. Một trong nhiều mục tiêu nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh vùng ĐBSCL là Quy hoạch Tổng thể ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung phát triển các tiểu vùng, mà Tiểu vùng bán đảo Cà Mau: Bao gồm khu vực tỉnh Cà Mau và khu vực phía Nam tỉnh Kiên Giang là một mắt xích quan trọng trong tổng hòa mối liên kết vùng. Tại tiểu vùng này, sẽ tập trung phát triển công nghiệp năng lượng, hóa chất, công nghiệp dịch vụ dầu khí tại khu vực Khánh An, Năm Căn (Cà Mau); các trung tâm thương mại, dịch vụ tại TP. Cà Mau, Sông Đốc, Năm Căn. Hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp gắn với chế biến, xuất khẩu. Phát triển lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng quốc gia Đất Mũi, U Minh Hạ, U Minh Thượng, du lịch sinh thái rừng ngập mặn. Khu vực hải đảo: Bao gồm các huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) và một số đảo của tỉnh Cà Mau.

Phát triển nuôi trồng và đánh bắt hải sản, du lịch biển, tập trung ở khu vực đảo Phú Quốc, các đảo ven bờ khu vực Cà Mau, Hà Tiên. Đầu tư mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ cho các đảo gắn với các khu neo đậu trú bão. Hoàn thành công tác quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Năm Căn. Thu hút đầu tư, phát triển Khu kinh tế Năm Căn gắn với Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, cảng Năm Căn, cụm công nghiệp đóng tàu và Khu công nghiệp Năm Căn…

Ngoài Quy hoạch tổng thể ĐBSCL nói trên, để tạo động lực nhằm có một cuộc bứt phá đi lên, trước đó, Bộ Chính trị còn ban hành Nghị quyết số 21 – NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001 – 2010; Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 17/2/2005, về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Đây là những nghị quyết mang tính bản lề, là kim chỉ nam thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đối với khu vực ĐBSCL đầy năng động. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là sự kế thừa và phát huy kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, nghị quyết thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Đáng chú ý, theo nghị quyết, đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển (trong đó có ĐBSCL) ước đạt 65 – 70% GDP cả nước.

Sẽ trở thành trung tâm công nghiệp chế biến thủy sản vào năm 2030

Hòa nhập cùng xu thế phát triển của ĐBSCL và cả nước; phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau cũng ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở kết quả đạt được và nhận diện những khó khăn thách thức, tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Cà Mau phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến thủy sản (sản phẩm tôm xuất khẩu); ngành hóa chất, phân bón và năng lượng tái tạo, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp vùng, và tầm nhìn đến năm 2045, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, tỉnh sẽ thực hiện điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại các ngành công nghiệp, phát triển các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung, gắn với quy hoạch các vùng nguyên liệu, tài nguyên và lao động; phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp cho phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm để thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh tích hợp công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất công nghiệp.

Thêm vào đó, Đề án Tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững, kết hợp phát triển chiều rộng và chiều sâu; nâng cao hiệu quả các nguồn lực xã hội, tăng năng suất lao động để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung phát triển nguồn nhân lực và khẳng định, con người là trung tâm của sự phát triển, coi nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh…

Tất cả những định hướng, những cơ chế, chính sách đã, đang và sẽ ra đời trong thời gian tới chắc chắn là một cú hích có lực rất mạnh, là cơ sở khoa học và thực tiễn bên cạnh sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau, của những nhà đầu tư trong và ngoài nước vì sự phát triển chung của cả khu vực ĐBSCL và vùng đất cực Nam Tổ quốc trong tương lai. (Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *