Cái Nước: Tìm giải pháp cho mô hình lúa – tôm bền vững

Nhớ lại thời “hoàng kim” những năm 2007 – 2009, diện tích lúa – tôm toàn huyện lên đến 3.000 – 4.000ha, vượt nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch, năng suất cũng rất ấn tượng, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Vào đầu năm 2009, Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm, lúa giai đoạn 2009 – 2012, định hướng đến năm 2015” được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện, được kỳ vọng sẽ giúp nông dân huyện nâng cao trình độ sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phấn đấu tăng từ 20 – 30% năng suất tôm, 15 – 20% năng suất lúa đến năm 2015.

Tuy nhiên, vài năm sau đó, tính hiệu quả của mô hình giảm dần, minh chứng qua con số diện tích thực hiện giảm qua từng năm. Năm 2010, diện tích lúa – tôm thực hiện chỉ được 8% kế hoạch; từ năm 2011 – 2013 bình quân đạt dưới 70% kế hoạch; năm 2014, toàn huyện thực hiện được 672ha lúa tôm, chỉ đạt 22% so với kế hoạch. Năm 2015, thực hiện được 426,3ha, đạt khoảng 21% chỉ tiêu kế hoạch. Nguyên nhân được các ngành chức năng xác định do tình hình thời tiết mưa nắng thất thường, người dân thụ động trong điều tiết nguồn nước và độ mặn phù hợp với sản xuất; chưa có giải pháp chống xâm nhập mặn hiệu quả; hiệu suất hoạt động tháo nước, rửa mặn của các trạm bơm trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Huyện Cái Nước đang nỗ lực tìm giải pháp cho mô hình lúa – tôm bền vững, nhằm góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: Cánh đồng lúa – tôm khá hiệu quả của hộ ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú.

Ghi nhận tình hình sản xuất lúa trên đất nuôi tôm ở các xã: Phú Hưng, Thạnh Phú, Tân Hưng vào những ngày đầu tháng 12, đúng ra đây là thời điểm lúa đang vào giai đoạn làm đòng – trổ, nhưng trên những cánh đồng vốn có “truyền thống” lúa – tôm chỉ thấy phần nhiều là màu nước trắng xóa, rong rêu dày đặc. Cũng có vài hộ ở xã Thạnh Phú vẫn “may mắn” đảm bảo được tính khả thi của mô hình, lúa và tôm nuôi cùng song hành hiệu quả. Còn lại là “thất trắng”, hay trên phần đất đã được gieo sạ, lúa phát triển một cách chậm chạp, cằn cỗi.

Theo ngành Nông nghiệp huyện, có 103ha diện tích lúa trên đất nuôi tôm của huyện đã thiệt hại. Con số này còn tăng từ đây đến cuối năm, khi lượng mưa giảm, triều cường và độ mặn dần tăng lên. Dự kiến diện tích lúa cho thu hoạch khoảng 280ha, năng suất bình quân kém, chỉ khoảng 3 tấn/ha.

Theo ông Đoàn Văn Chính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cán bộ có gần 30 năm gắn bó với ngành, cho biết: “Giống lúa được bà con trồng trên đất nuôi tôm những năm qua thường là OM 6677, OM 5629, OM 6976… Đây là các giống thuộc nhóm A, thời gian sinh trưởng từ 85 – 100 ngày và chỉ thích hợp với độ mặn không quá 3‰. Những năm gần đây, bà con đồng loạt gieo sạ khoảng đầu tháng 9 âm lịch, thời điểm này ít mưa, nước mặn xâm nhập… đã làm tăng độ mặn của đất và nước trong vuông. Theo khảo sát, độ mặn tại các cánh đồng lúa hiện không dưới 4 – 5‰, cây lúa rất khó phát triển”.

Hiện nay, toàn huyện chỉ có các xã Thạnh Phú, Phú Hưng, Tân Hưng, Hưng Mỹ và Hòa Mỹ trồng được lúa trên đất nuôi tôm; trong đó khả quan nhất là Thạnh Phú và Phú Hưng. Trên địa bàn hai xã này đã xây dựng được mô hình khép kín diện tích đất lúa – tôm kết hợp. Theo đó, công đoạn tháo mặn, rửa phèn, chống xâm nhập mặn được thực hiện khá bài bản. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý chưa chặt chẽ, tình trạng mưa ngắn nắng dài, thiếu tính đồng loạt trong dân… nên việc tháo rửa mặn cũng không được thường xuyên.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ nhiều năm nay, diện tích lúa trồng trên đất nuôi tôm chỉ mang tính chất “cầm chừng”, thực hiện theo chỉ tiêu kế hoạch của địa phương, và rất ít khi người trồng lúa trên đất nuôi tôm thu lãi.

Về giải pháp cho mô hình, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Tuấn: “Huyện đang chỉ đạo ngành Nông nghiệp thống kê và đánh giá thực tế tình hình trồng lúa trên đất nuôi tôm của huyện năm 2015, qua đó tiếp tục tìm giải pháp xở gỡ thực trạng thất mùa kéo dài. Thực hiện khép kín vùng lúa – tôm ở các địa bàn có điều kiện. Khai thác hiệu quả hoạt động của các trạm bơm nước tháo mặn. Tiếp tục chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật những giống lúa mới hiệu quả hơn, chịu được độ mặn cao hơn, thời gian sinh trưởng không quá 100 ngày để cung ứng cho bà con. Việc giảm chỉ tiêu về thực hiện diện tích trồng lúa trên đất nuôi tôm, huyện sẽ tính toán để có bước đi thận trọng, theo hướng có lợi cho nông dân”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *