Cần những quyết sách chiến lược cho du lịch Cà Mau

* Ông có thể khái quát tình hình hoạt động, phát triển du lịch ở Cà Mau ở thời điểm hiện tại, có được những dấu ấn và điểm nhấn gì?

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Xác định loại hình thế mạnh để phát triển du lịch Cà Mau trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thời gian qua, việc đẩy mạnh phát triển du lịch Cà Mau được các ngành, các cấp triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện, kế hoạch phối hợp để phát triển phù hợp với lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, mang lại hiệu quả nhất định. Từ 3 điểm xây dựng và phát triển ban đầu vào năm 2013, đến nay đã tăng lên 14 điểm du lịch, sau thời gian hoạt động đã từng bước khai thác và phát huy lợi thế, tiềm năng của từng địa phương trong quá trình phát triển du lịch. Từ đó, góp phần bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, giải quyết tốt vấn đề việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Việc đưa vào khai thác các tuyến du lịch xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là một trong những sản phẩm chủ lực, nhằm giới thiệu đến du khách sản phẩm trải nghiệm về sự đa dạng đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau – Khu Ramsar thế giới; kết hợp với khai thác sản phẩm trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập ngọt thuộc hệ thống Vườn Quốc gia U Minh Hạ, tạo nên sự đa dạng của tiềm năng thế mạnh của du lịch Cà Mau về Khu dự trữ sinh quyển thế giới được du khách trong và ngoài nước biết đến.

Một số sản phẩm tiêu biểu đã xây dựng được thương hiệu: Tôm khô, cá khô bổi, khô khoai, ba khía Rạch Gốc, cua Năm Căn, bánh phồng tôm, bánh tráng mực, chuối sấy, mắm lóc Thới Bình… tạo được sự lan tỏa về sự đa dạng của ẩm thực Cà Mau. Hệ thống trung tâm thương mại, mua sắm, các điểm bán hàng đặc sản phát triển cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách.

Để du lịch Cà Mau phát triển tương xứng với tiềm năng, cần có những quyết sách mang tính chiến lược trong thời gian tới.

* Theo ông, du lịch Cà Mau hiện đang đứng ở vị trí nào trên bản đồ du lịch của cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng?

Ông Trần Hiếu Hùng: Cà Mau được xác định có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, với vị trí địa lý, sự đa dạng của hệ sinh thái rừng – biển và mặn – ngọt, là một trong 4 tỉnh trong hành lang phát triển kinh tế phía Nam của chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á… đã tạo cơ hội cho du lịch Cà Mau phát triển trong thời gian tới.

So với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, cùng với An Giang, Cà Mau là một trong hai tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai quy hoạch xây dựng, mời gọi đầu tư.

Chưa có thống kê để so sánh sự phát triển của Cà Mau với ĐBSCL và cả nước, tuy nhiên, qua báo cáo của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, du lịch Cà Mau (bao gồm lượt khách và doanh thu) thuộc loại trung bình của khu vực. Du lịch Cà Mau chưa thể so sánh với các vùng du lịch trọng điểm của cả nước: Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Ninh Bình, Quảng Ninh… do tài nguyên du lịch vừa mới được khơi dậy vài năm gần đây, kinh nghiệm làm du lịch còn hạn chế, chưa hình thành các khu du lịch trọng điểm mang tính động lực. Ngoài ra, còn hạn chế do nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển du lịch: Hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực, đa dạng hóa sản phẩm du lịch… Để phát triển tương xứng với tiềm năng, cần có những quyết sách mang tính chiến lược trong thời gian tới, mới có thể tạo nên điểm đến mới, hấp dẫn, có vị thế xứng đáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

* Có nhận định rằng nguyên nhân du lịch Cà Mau chậm phát triển là do thiếu sáng tạo, chưa tạo được đột phá… Ông có thể cho ý kiến về vấn đề này?

Ông Trần Hiếu Hùng: Nhận định du lịch Cà Mau “chậm phát triển do thiếu sáng tạo” là chưa chính xác. Bởi lẽ, để phát triển du lịch đòi hỏi nhiều yếu tố quan trọng, trong đó, đặc biệt là hạ tầng du lịch để kết nối các điểm đến trong tỉnh cũng như các tỉnh, thành trong khu vực bảo đảm an toàn, thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho du khách; cần có những khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá để khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch đặc thù của tỉnh, thu hút khách trong và ngoài nước; phải có đội ngũ doanh nhân, người tổ chức hoạt động du lịch chuyên nghiệp để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, khai thác và phát huy các giá trị về tự nhiên, giá trị văn hóa kết hợp với phát triển du lịch, để hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng sông nước Cà Mau.

Tuy nhiên, mặc dù đã được sự quan tâm tập trung chỉ đạo phát triển thông qua thể chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân lực… nhưng do du lịch Cà Mau chỉ mới phát triển trong thời gian gần đây, còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định nên có thể nhận định rằng: “Sản phẩm du lịch Cà Mau còn đơn điệu, chưa hấp dẫn do thiếu sự sáng tạo”.

* Ông có những kiến nghị cụ thể gì liên quan đến cơ chế, chính sách, những việc cần làm ngay và cả lâu dài, tầm nhìn để du lịch Cà Mau phát triển xứng tầm?

Ông Trần Hiếu Hùng: Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và các kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, Cà Mau đã xác định những chiến lược phát triển du lịch dài hạn, trọng tâm là phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030. Trong đó, định hướng thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới, cụ thể như:

Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng về phát triển du lịch, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng bộ với Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện các chính sách, quy định ưu tiên trong hỗ trợ phát triển du lịch. Khẩn trương thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Tăng cường công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trọng điểm trong cả nước và mở rộng thị trường du lịch quốc tế, nhằm huy động nguồn lực đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Cà Mau trong và ngoài nước. Tiếp tục công tác xúc tiến nhằm tìm kiếm, lựa chọn những nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm: Mũi Cà Mau, Đầm Thị Tường, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Hòn Đá Bạc, Sông Trẹm… để tạo động lực phát triển du lịch chung của cả tỉnh.

Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch theo loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh: Sinh thái, cộng đồng, khám phá các tuyến rừng, du lịch biển đảo, gắn với hệ thống sản phẩm du lịch từ nông nghiệp (thủy, hải sản), làng nghề truyền thống… từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau với điểm đến cực Nam và văn hóa đặc trưng vùng sông nước, góp phần phát triển du lịch bền vững. Thực hiện tốt chính sách kích cầu, thu hút khách du lịch đến Cà Mau.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, kiểm soát, quản lý tốt các điểm đến du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn khách du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, cần tiếp tục hoàn thiện các thể chế để thu hút, ưu đãi, mời gọi đầu tư; tiếp tục hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật để kết nối các điểm đến; nâng cấp, xây dựng các khu lưu trú đạt chuẩn, các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành dịch vụ du lịch có kỹ năng tốt; huy động mọi nguồn lực để phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau theo quy hoạch tổng thể được phê duyệt…

Từ việc triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên sẽ tạo nền tảng cho việc phát triển cả về cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, tác động mạnh mẽ vào đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội.

* Xin cảm ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *