Chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan

Các địa phương cần vận động nông dân tranh thủ thời gian lúc kênh mương nội đồng còn khô cạn để nạo vét cho thông thoáng đường thoát nước, đồng thời gia cố thêm các bờ, đập để giữ nước cho ruộng ngập hợp lý. Có thể đơn lẻ từng khuôn hộ hay hợp tác nhiều hộ liền kề thực hiện thủ công hoặc dùng cơ giới nhỏ khơi thông mọi đường thoát nước trong hệ thống thủy nông nội đồng. Để khi mưa lớn gây ngập cục bộ có thể thoát nước kịp thời chống úng, đồng thời cũng gia cố thêm các cống đập giữ nước để đề phòng chống “hạn bà chằn” trong tháng 7 – 8 sắp tới. Mỗi hộ cần phải chủ động tu bổ khuôn hộ vững chắc, cần chuẩn bị sẵn thêm máy bơm để tự giải quyết ngập cục bộ riêng hoặc tập trung nhiều máy bơm tại cửa kênh đầu mối giải quyết cho cả cánh đồng khi cần. Bà con nông dân có thể nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, vốn của ngân hàng chuẩn bị sẵn máy bơm nhỏ, tự lo khâu bơm tát, vừa có thể chống úng ngập cục bộ, vừa chống hạn khi cần, đặc biệt là phục vụ cho sạ cấy lấp vụ 2, thường rơi vào giai đoạn mưa già, phải trực bơm tát kịp thời.

Bà con nông dân cần phải chủ động tu bổ khuôn hộ vững chắc, cần chuẩn bị sẵn thêm máy bơm để tự giải quyết kịp thời. Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Có nhiều khả năng trong thời kỳ tiếp theo sẽ xuất hiện mưa nhiều và dồn dập, nhiều nơi sẽ xảy ra úng ngập cục bộ cho trà lúa hè thu, mà chuyện dư hay thiếu nước đều không tốt cho lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ và cả trong lúc thu hoạch. Vì tất cả đều có thể ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ. Trước mắt, bà con nông dân, đặc biệt là trong các Cánh đồng mẫu lớn cần chuẩn bị tốt mọi điều kiện để phục vụ giữ nước chống hạn, hay tháo xổ hoặc bơm tát bớt nước. Bởi hiện tại nhiều nơi do nhiều năm không được sên vét, tình trạng kênh rạch phía ngoài đê cống, lẫn trong kênh mương thủy nông nội đồng đều đã bị bồi lắng, xuống cấp, khô cạn không còn đảm bảo được công năng tiêu thoát khi mưa lớn xảy ra.

Qua thực tiễn sản xuất lúa ở Cà Mau, với nét đặc thù là chỉ thường hay bị ngập lẻ tẻ, cục bộ vài nơi và chỉ trong khoảng thời gian ngắn nhất định do mưa lớn, thì việc khép kín khuôn hộ, liên hộ và nông dân tự bơm tát là tuyệt vời hơn hết, kể cả vùng lúa- tôm hay vùng chuyên lúa cũng vậy. Việc dân tự khép khuôn hộ hoặc liên hộ như thế để chủ động sản xuất lúa thành công đã ổn định khá vững chắc từ nhiều năm qua, cho dù ở ngay trong vùng đã khép hoặc chưa được khép kín ô – tiểu vùng thủy lợi bằng hệ thống đê, cống. Nên hiện nay, hầu hết nông dân có trồng lúa các nơi đều chỉ yêu cầu Nhà nước tăng cường nạo vét kênh rạch cho sâu rộng để đường nước được luân chuyển, chảy thông thoáng, không cần làm cống chi cho tốn kém. Nông dân sẽ chủ động lấy nước vào, tháo nước ra khi cần là phù hợp nhất, khỏi phải lệ thuộc quy trình vận hành đóng mở cửa cống quá nhiêu khê. Quan trọng hơn, những hộ phía trong nội đồng, nơi cuối nguồn sẽ tránh được tình cảnh “nước chưa được thoát ra lại phải chảy vào” quanh năm luẩn quẩn khiến ngày càng ô nhiễm và cũng tránh được chuyện giá cả nông sản, hàng hóa tăng giảm bất lợi do đê – cống “ngăn sông cản chợ”.

Liên quan vấn đề giữ và thoát nước, việc xây cống khép kín ô – tiểu vùng theo quy hoạch thủy lợi đang thực hiện và cả theo dự án quy hoạch thủy lợi đến năm 2020 đang được xem xét thẩm định, chờ phê duyệt, mà vẫn cứ theo hướng cũ tiếp tục đắp đập, hàn đê, xây cống là khó tránh khỏi nhiều điều bất cập cho sản xuất. Chí ít là làm cho dòng nước bị ngăn chặn, chảy yếu, kênh rạch nhanh chóng bị bồi lắng, khó nạo vét như hiện nay, sẽ dẫn đến chuyện không tiêu thoát nước kịp khi cần. Rất mong các ngành chức năng và lãnh đạo cân nhắc thận trọng khi phê duyệt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *