Giải ngân vốn đầu tư công: “Ai không theo kịp, phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”

Tăng khá, nhưng chưa đạt yêu cầu

Thông tin tại hội nghị, ông Trương Đăng Khoa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến ngày 9/10, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang đạt hơn 2.719 tỷ đồng, bằng 66,8% kế hoạch vốn (trên 4.070 tỷ đồng). “Có tăng khá với mức 1,74% so với cùng kỳ, nhưng chưa đạt theo yêu cầu”, ông Khoa đánh giá.

Với nguồn vốn các năm trước chuyển sang trên 405 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân thấp nhất là nguồn vốn ngân sách tập trung do tỉnh quản lý, khi chỉ đạt 36,5% kế hoạch vốn (trên 23 tỷ đồng).

Đối với vốn đầu tư công năm 2020, tỷ lệ giải ngân thấp nhất thuộc về nguồn vốn nước ngoài khi chỉ đạt 42,7% kế hoạch vốn (trên 418 tỷ đồng).

Dự án đầu tư nâng cấp đê biển Cà Mau là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ nhiều năm qua do vướng khâu giải phóng mặt bằng, thời gian dài chưa có giải pháp hiệu quả.

Ông Khoa lý giải, Tiểu dự án 8 về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm – rừng ven biển tỉnh Cà Mau (thuộc Dự án ICRSL) đang vướng khâu cấp vốn ODA và vốn địa phương vay lại, tỉnh đang làm việc với Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ, sớm triển khai. Dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau” (KfW) hiện đang chờ Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đấu thầu lựa chọn tư vấn Quốc tế, để ban hành Sổ tay vận hành dự án (POM) hướng dẫn tỉnh thực hiện theo Hiệp định. 

“Đã trình và HĐND tỉnh cũng vừa ban hành Nghị quyết điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 100 danh mục dự án để bổ sung tăng kế hoạch vốn cho 64 danh mục dự án với tổng kế hoạch vốn gần 230 tỷ đồng”, ông Khoa thông tin về những giải pháp cứng rắn của tỉnh nhằm tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

Qua kết quả tổng hợp giải ngân của 29 chủ đầu tư, có 7 chủ đầu tư đạt tỷ lệ dưới 50%, gồm: UBND huyện Trần Văn Thời, Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau, Đài PT-TH Cà Mau, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế.

Còn 238 hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng

Hiện có 16 dự án gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ, giải ngân của dự án. Trong đó, có thể kể đến những dự án trọng điểm, như: Đầu tư kè cấp bách tại xã Tân Thuận (Đầm Dơi); đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bến cá Khánh Hội (U Minh); đầu tư nâng cấp đê biển Tây; Bệnh viện Lao và Phổi; kè chống sạt lở cửa biển Hương Mai (U Minh); cầu qua sông Cái Đôi Vàm (Phú Tân); cầu qua sông Tắc Thủ (TP. Cà Mau)…

Trong 16 dự án nêu trên có 238 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, không bàn giao mặt bằng.

Với huyện U Minh, ông Nguyễn Thanh Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện chỉ có 9/36 hộ dân nhận tiền bồi thường (khoản 4,3 tỷ đồng, đạt 16% so với chi phí được phê duyệt), còn đến 27 hộ chưa chịu nhận tiền đối với Dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bến cá Khánh Hội; với Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở tại cửa biển Hương Mai (đoạn từ cống Hương Mai đến đê biển Tây), xã Khánh Tiến, thì hiện còn 33/91 hộ chưa nhận tiền để di dời.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ông Trần Tấn Công nhận khuyết điểm trong khâu quy hoạch, bố trí dân cư trong thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp đê biển Tây (đoạn thị trấn Sông Đốc), khi hiện còn 61 hộ dân đang sinh sống trên diện tích xây dựng, ảnh hưởng khoảng 80% khối lượng hợp đồng. Riêng đoạn vòng qua cống Đá Bạc (phía bờ Bắc), hiện còn 4 hộ chưa nhận tiền bồi thường di dời và 1 hộ đã nhận tiền bồi hoàn chỉ giao mặt bằng trong phạm vi thân đê, còn mái đê không cho thi công, làm ảnh hưởng khoảng 50% khối lượng hợp đồng.

Cầu Cái Nai (huyện Năm Căn) là một trong các dự án, công trình còn vướng khâu giải phóng mặt bằng.

Tại hội nghị, trong khi lãnh đạo hai huyện Đầm Dơi và Phú Tân tỏ rõ quyết tâm của địa phương, tiến tới cưỡng chế những hộ không chấp hành chủ trương di dời theo quy định, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án, góp phần tăng cao tỷ lệ giải ngân; thì ông Lê Tuấn Hải, Quyền Chủ tịch UBND TP. Cà Mau, cho rằng tiến độ các dự án trên địa bàn chậm là do… ngập nước và ông Lâm Minh Thời, Trưởng ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, khẳng định không thể giải ngân hết vốn dự án đầu tư kè cấp bách tại xã Tân Thuận, phải chuyển vốn sang năm 2021 là 21 tỷ đồng, dù biết sẽ… bị rầy. Cùng “hoàn cảnh”, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết dự án đê biển Tây phải chuyển vốn sang năm sau 33 tỷ đồng.

“Xin ứng vốn để xử lý đoạn sụt lún 210m trên đê biển Tây, đoạn Đá Bạc – Kênh Mới, theo cơ chế xử lý khẩn cấp, vì mùa mưa bão đang gây áp lực rất lớn, nguy cơ vỡ đê cao. Về nguyên tắc thì nhà nước không bỏ tiền ra để khắc phục sự cố này, nhưng cần cho ứng vốn, sau này xác định ai sai phạm thì phải hoàn vốn lại”

Ông Lâm Minh Thời, Trưởng ban Quản lý công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn.

“Hiện còn trên 1.400 tỷ đồng vốn đầu tư công, đồng nghĩa mỗi tháng phải giải ngân khoảng 400 tỷ đồng mới đạt chỉ tiêu là đến ngày 31/1/2021 đạt 100% theo kế hoạch vốn. Tuy nhiên, trong tháng 9 vừa qua, dù có nhiều cố gắng, cũng chỉ giải ngân được có 216 tỷ đồng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi chỉ rõ, đồng thời yêu cầu các ngành, các ban dự án chuyên ngành, các địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ.

“Ai theo không kịp thì chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, nhất là việc giải quyết dứt điểm khâu giải phóng mặt bằng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *