Học tập Bác, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ, nội dung thi đua quan trọng, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện U Minh đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Bà Lê Ánh Hồng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, cho biết: “Để đạt được những kết quả cơ bản trong triển khai thực hiện, Ủy ban MTTQ huyện đã tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, tăng cường phối hợp khai thác các nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả ở khu dân cư. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện. Đồng thời xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình thiết thực, hiệu quả”.

Bà Lê Ánh Hồng, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, nhận cờ thi đua đơn vị xuất sắc từ Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Dũng.

Quan tâm chăm lo cho hộ nghèo

Tại xã Nguyễn Phích, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã chủ động xây dựng, ký kết các chương trình phối hợp, tạo sự thống nhất trong hướng dẫn, chỉ đạo và thực hiện của MTTQ, các tổ chức thành viên trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Phối hợp với UBND xã xây dựng và triển khai quy chế phối hợp trong thực hiện Quy chế dân chủ. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền và vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ban Thường trực MTTQ xã hướng dẫn các Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhằm phát huy tinh thần tương thân tương ái, Ủy ban MTTQ xã đã xây dựng mô hình “Nhà nhân ái” để giúp đỡ hộ nghèo, tạo điều kiện cho họ vươn lên trong cuộc sống. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, ông Trần Quốc Sự: “Để triển khai thực hiện mô hình này, Mặt trận xã đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; tổ chức tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa của việc triển khai thực hiện mô hình, để nhân dân hưởng ứng và cùng tham gia”.

Đến nay, mô hình này đã hỗ trợ cho 15 gia đình hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, mỗi căn trị giá từ 40 – 50 triệu đồng. Tuy mới được xây dựng, nhưng mô hình đã nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương. Đặc biệt là 15 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, sau khi an cư, bà con thêm yên tâm lao động sản xuất, đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo trong năm nay.

Gia đình anh Đỗ Văn Lời (Ấp 13) là hộ nghèo được hỗ trợ Nhà nhân ái. Với số tiền 42 triệu đồng được Nhà nước tiếp sức, cộng thêm tiền tích lũy 10 triệu đồng, vợ chồng anh cất được căn nhà vững chãi. Anh Lời vui mừng: “Tôi bị tai nạn lao động từ năm 1994, cụt mất một tay, cuộc sống gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, nuôi 2 con nhỏ nên hằng ngày chạy ăn từng bữa, không có khả năng sửa chữa nhà. Nhờ được sự quan tâm của chính quyền địa phương, hỗ trợ tiền cất nhà, gia đình tôi mới có được căn nhà mới, vui mừng không cầm được nước mắt. Tôi cảm ơn các cán bộ chính quyền, Mặt trận xã và tôi đã viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo trong năm nay”.

Nhờ nhận được “Nhà nhân ái” mà gia đình anh Đỗ Văn Lời (Ấp 13, xã Nguyễn Phích) được an cư.

Mô hình sát thực tiễn

Cùng với xã Nguyễn Phích, các địa phương trong huyện đã có những mô hình sát thực tiễn công tác Mặt trận và phù hợp với tình hình ở cơ sở, như: Mô hình chức sắc, chức việc tiêu biểu tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mô hình toàn dân đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường; mô hình khu dân cư điển hình trong xây dựng nông thôn mới; mô hình Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường… Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ con giống, cây trồng, vật nuôi… để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không những góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức Mặt trận; mà còn làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, thi đua phát triển kinh tế – xã hội.

Kết quả từ việc thực hiện các mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và tạo chuyển biến tích cực về hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc tự giác, thường xuyên học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bà Lê Ánh Hồng cho biết: “Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được lồng ghép với các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; “Ngày vì người nghèo” và chương trình đảm bảo an sinh xã hội; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Qua đó, không những góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức Mặt trận, mà còn làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, thi đua phát triển kinh tế – xã hội, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn”.

Diện mạo vùng quê nông thôn U Minh ngày càng khởi sắc, trong đó có sự đóng góp tích cực của cán bộ, công chức Mặt trận các cấp.

Thời gian tới, để việc thực hiện Chỉ thị 05 hiệu quả hơn, Mặt trận các cấp trong huyện, các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, xây dựng tổ chức Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên ngày càng vững mạnh, thực sự là cơ sở chính trị vững chắc của cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của huyện U Minh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *