Làm việc tại Cà Mau, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ: Đầu tư cho Cà Mau chưa xứng với tiềm năng và nguồn lợi từ biển

Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nêu lên những vấn đề mà Cà Mau cần lưu ý, tập trung thực hiện trong thời gian tới, nhất là trong việc gắn phát triển kinh tế biển với đảm bảo quốc phòng – an ninh; đồng thời ghi nhận những kiến nghị của địa phương, sẽ đưa vào các chương trình nghị sự của Quốc hội.

KIẾN NGHỊ SỚM ĐƯA NƯỚC NGỌT VỀ BÁN ĐẢO CÀ MAU

Thông tin đến Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết địa phương đã khai thác được lợi thế từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên để phát triển nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, mang về kim ngạch xuất khẩu ngành hàng tôm đứng đầu cả nước với 5,34 tỷ USD trong 5 năm (2011 – 2015). Việc thực hiện các chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản được địa phương quan tâm, làm chuyển biến tích cực nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những ngư dân trong khai thác gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh.

“Tiềm năng và lợi thế còn rất lớn, tuy nhiên chưa được khai thác triệt để, nhất là việc đầu tư hạ tầng tại các vùng ven biển, trên các cụm đảo chưa có nhiều chuyển biến”, ông Lê Văn Sử nhận định và cho biết, chính vì chưa có cảng biển nên việc đáp ứng dịch vụ hậu cần cho khai thác, nuôi trồng, tiêu thụ sản phẩm hải sản còn gặp nhiều khó khăn, thiếu tính cạnh tranh. Theo đó, kiến nghị Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư hệ thống cảng cá, hoàn thiện và nâng mức quy mô các khu neo đậu trú bão cho tàu cá; sớm bổ sung vốn triển khai nhanh các công trình phục vụ quốc phòng – an ninh tại các đảo của tỉnh; các dự án ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát năng lực và hiệu quả hoạt động của Cảng cá Sông Đốc. Trong chuyến đi này, đoàn tìm hiểu hình thức sản xuất từ khai thác, dịch vụ hậu cần, cung ứng nhiên liệu và vận chuyển chế biến hải sản của DNTN Quang Bình tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời; hình thức nuôi tôm thâm canh tại hộ ông Bùi Chí Thượng, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. Ảnh: Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ (thứ 2 từ phải sang) cùng các thành viên Đoàn giám sát tại Cảng cá Sông Đốc.

Các thành viên Đoàn giám sát tìm hiểu những nội dung liên quan đến chiến lược phát triển ngành hàng tôm – ngành hàng kinh tế chủ lực của tỉnh, đóng góp rất lớn vào tỷ trọng tăng trưởng ngành tôm quốc gia; nhất là về vấn đề chất lượng con tôm giống, quy mô sản xuất theo các hình thức thích ứng BĐKH; lực lượng lao động phục vụ phát triển kinh tế thủy sản. Quan tâm việc khắc phục tác động của BĐKH gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh; các giải pháp nâng cao nhận thức pháp luật về an ninh biên giới, biển và hải đảo, cứu hộ – cứu nạn, an toàn – an ninh trong các hoạt động khai thác; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong giữ gìn quốc phòng – an ninh; liên kết trong khai thác hải sản…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải: “Từ điều kiện tự nhiên đặc trưng mà hình thành nên tiềm năng phát triển kinh tế, Cà Mau trở thành nơi tìm đến sinh cơ, lập nghiệp của người dân từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là ngư dân hoạt động trên các tàu khai thác hải sản. Cùng với hai hệ sinh thái rừng, phần lớn di dân tự do sống bám vào nguồn lợi dưới tán rừng, biển, dẫn đến khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi vốn được bảo tồn. Vấn đề này đã tạo nên áp lực dân cư, kéo theo các điều kiện an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội…”.

Nêu lên hàng loạt vấn đề cực kỳ quan trọng cần có sự ưu tiên đầu tư từ Trung ương, trong đó nhấn mạnh đến các dự án xây dựng kè ngầm tạo bãi, đê biển, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đề nghị Trung ương sớm đầu tư các dự án khép kín nhằm dẫn nước ngọt từ Sông Hậu về phục vụ sản xuất và sinh hoạt vùng Bán đảo Cà Mau, nhất là tại tỉnh Cà Mau, khi địa phương hiện phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa, nguồn nước ngầm không thể tiếp tục khai thác lớn bởi tình trạng sụt lún đất đang có dấu hiệu ngày càng nhiều, nước biển dâng càng cao, mặn xâm nhập sâu vào vùng nội đồng.

XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ BIỂN SẠCH

Khẳng định đây là nội dung giám sát quan trọng nhằm đánh giá việc ban hành, triển khai hệ thống chính sách, pháp luật, qua đó làm rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương và tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định việc quan tâm đầu tư cho phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh ở ven biển, trên biển và đảo ở Cà Mau chưa xứng với tiềm năng và nguồn lợi từ biển đem lại. Ghi nhận và biểu dương những kết quả mà tỉnh đã đạt được, tình hình quốc phòng – an ninh trên biển thời gian qua được giữ vững, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đề nghị địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo; củng cố quốc phòng – an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trong tình hình mới; quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, nâng cao ý thức chủ động phòng tránh thiên tai; nâng cao năng lực cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng hoạt động thường xuyên trên biển.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ: “Cà Mau cần phải đi đầu trong việc xây dựng một nền kinh tế biển sạch, hướng tới chuẩn mực quốc tế, cần tập trung xây dựng thương hiệu trong sản xuất, nuôi trồng và chế biến hải sản. Tỉnh cần tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành Thủy sản trên tất cả các lĩnh vực quản lý, khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trên biển, đảo…”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *