Người trồng cây ăn trái trắng tay vì nắng hạn

Anh Tô Văn Út ở ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng, đã phải cưa bỏ toàn bộ vườn cam sành do khô hạn.

Theo các chủ vườn cho biết, từ trước đến nay, chưa năm nào người trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện bị thiệt hại nặng nề như bây giờ. Do thiếu nước tưới trong thời gian dài, cộng với nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao nên các loại cây ăn trái đã chết dần.

Hơn 3 tháng nay, ông Nguyễn Văn Thịnh ở ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng, đứng ngồi không yên, bởi gần 1ha ổi Đài Loan của gia đình ông bị thiếu nước tưới nghiêm trọng. Tuy ông Thịnh đã chủ động cắt tỉa bỏ bớt cành, nhánh, nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại, nhưng vườn ổi vẫn không tránh khỏi tình trạng chết hàng loạt.

Ông Thịnh lo lắng cho biết: “Mấy năm trước, trung bình mỗi năm vườn ổi của tôi cho thu hoạch khoảng 20 tấn. Riêng năm nay, từ sau Tết Nguyên đán, vườn ổi bắt đầu thiếu nước tưới nên không còn thu hoạch được, thất thu hơn 150 triệu đồng. Đặc biệt, số lượng ổi trong vườn bị thiệt hại khoảng 50 – 60%; hiện tại, nguồn nước tưới trong các ao, đìa đã khô cạn hoàn toàn, nước giếng khoan thì không đủ cung cấp cho việc tưới tiêu nên gần 1 tháng nay toàn bộ vườn ổi coi như bị “bỏ liều”. Không biết qua mùa hạn này ổi có phục hồi được không nữa, nếu không thì coi như trắng tay luôn”.

Mặc dù đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động, nhưng vườn cam sành gần 1.000 gốc của ông Tô Văn Út ở ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng, đang trong giai đoạn cho trái cũng bị thiệt hại hoàn toàn. Ông Út buồn bã: “Tôi bắt đầu trồng cam sành cách đây khoảng 5 năm, lúc đầu tôi dùng mô-tơ bơm nước dưới sông lên qua hệ thống tưới nước tự động để tưới cho vườn cam. Năm nay nước dưới sông khô cạn hết, tôi phải bơm truyền từ ngoài sông lớn vô, nhưng cũng chỉ một thời gian, tất cả các sông, rạch đều khô cạn hết, cả vườn chết không còn 1 cây, bây giờ đành phải cưa bỏ để chuyển qua trồng hoa màu kiếm sống, chờ vài năm nữa cuộc sống ổn định mới trồng trở lại”.

Vườn ổi Đài Loan hơn 1ha của ông Nguyễn Văn Thịnh ở ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng, hơn 3 tháng nay bị thiếu nước tưới.

Cùng cảnh với ông Út, toàn bộ vườn cam sành hơn 7.000 gốc của anh Tô Văn Phú ở ấp Kinh Đứng B, mới trồng được 2 năm cũng chết trắng, ước thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Anh Phú cho biết: “Năm nay, thời tiết nắng hạn kéo dài, nước dưới sông khô hết, mặc dù tôi đã sên vét các ao đìa trong vườn khá sâu để dự trữ nước, nhưng cũng không còn 1 giọt để tưới cho vườn cam, nên đành bất lực. Nếu tính tiền cây giống, nhân công và các loại chi phí khác, đến thời điểm này, gia đình tôi đã đầu tư vô đây hơn 100 triệu đồng, bây giờ phải chặt, gom đống lại để đốt bỏ, bao nhiêu tiền bạc coi như đã tan thành mây khói hết”.

Hiện tại, tình hình nắng hạn đang trong giai đoạn khốc liệt nhất so với từ đầu mùa khô đến nay, toàn bộ lượng nước trong các sông, rạch, ao đìa ở huyện Trần Văn Thời đều đã khô cạn. Trước tình hình trên, các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương vận động các chủ vườn cây ăn trái cắt tỉa bỏ bớt cành, nhánh và dùng rơm, rạ, cỏ khô sẵn có để đậy gốc cây, nhằm giữ độ ẩm cho đất, với hy vọng duy trì sự sống những cây còn lại, chờ mưa xuống sẽ tiến hành bón phân, chăm sóc.

Mấy ngày gần đây, tình hình  nắng nóng tại huyện Trần Văn Thời khá gay gắt, nhiệt độ tăng cao, làm cho nhiều chủ vườn không khỏi lo lắng cho diện tích cây ăn trái của gia đình mình. Nếu thời gian tới, thời tiết nắng nóng còn tiếp tục kéo dài, mức độ thiệt hại tại các vườn cây ăn trái của người dân có thể còn tiếp tục tăng lên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *