Vẫn còn tái diễn tình trạng bến khách ngang sông, bến thủy nội địa hoạt động không phép

Gần 300 trường hợp vi phạm

Theo báo cáo của Cơ quan Thường trực Liên ngành ĐTNĐ tỉnh, trong năm 2019, các đoàn đã tiến hành kiểm tra hơn 1.000 trường hợp. Qua đó phát hiện 283 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) ĐTNĐ; trong đó, nhắc nhở khắc phục 107 trường hợp, đình chỉ 86 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 90 trường hợp với tổng số tiền hơn 230 triệu đồng.

Riêng đối với các bến khách ngang sông, trong năm, các đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Cà Mau đã tiến hành kiểm tra 316 trường hợp. Qua đó phát hiện 66 trường hợp vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính 13 trường hợp. Qua kiểm tra cũng phát hiện 77 trường hợp vi phạm hoạt động cảng, bến thủy nội địa, lập biên bản vi phạm hành chính 14 trường hợp.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường phối hợp Ban ATGT các huyện, chính quyền địa phương tổ chức 16 lượt giải tỏa vật chướng ngại trên tuyến đường thủy. Giải tỏa 5 hàng đáy tạm, 436 cọc các loại, 440 phao đăng đáy, 3 lú, 718 cột đáy các loại và 23 miệng đăng; thanh thải 5.210 cây cọc các loại (dùng đặt đáy, lú)… Vận động nhân dân tự tháo dỡ, giải tỏa 195 cọc các loại, 4 hàng đáy neo, 107 miệng lú, 4 miệng đáy phát sinh, 37 phao neo, 2 đống chà, tự thanh thải 1.500 cọc các loại. Sau khi giải tỏa xong, các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức bàn giao cho chính quyền địa phương tiếp tục quản lý địa bàn và có biện pháp chống tái chiếm.

Trong năm 2019, nhiều vi phạm liên quan đến hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa đã được phát hiện và xử lý.

Sớm triển khai phương án giải tỏa đáy cá và các hoạt động khai thác thủy sản khác trên sông

Theo ông Phan Văn Út, trong thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch năm, các đoàn kiểm tra liên ngành gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức giải tỏa đáy cá trên các tuyến ĐTNĐ giáp ranh giữa hai huyện chưa triển khai thực hiện được theo nội dung kế hoạch phối hợp, do tỉnh có chủ trương giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, xây dựng phương án giải tỏa đáy cá và các hoạt động khai thác thủy sản khác trên sông, kênh, rạch địa bàn toàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

Tình trạng các bến thủy nội địa hoạt động không phép vẫn còn diễn ra, vi phạm hành lang bảo vệ luồng, nằm trong hành lang an toàn cầu bắc qua sông (khu vực cầu Lương Thế Trân, cầu Huỳnh Thúc Kháng), đặc biệt là vào ban đêm, các ngày nghỉ trong tuần, phương tiện vận tải lén lút vào các bến thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa, gây mất ATGT ĐTNĐ khu vực; khi đoàn liên ngành đến kiểm tra, đôi lúc các chủ bến có thái độ không hợp tác, tránh né lực lượng, gây khó khăn trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm. 

Từ thực tế đặt ra, Cơ quan Thường trực Liên ngành ĐTNĐ tỉnh kiến nghị Ban ATGT tỉnh cần đôn đốc, có ý kiến đối với Ban ATGT các huyện, TP. Cà Mau hỗ trợ một phần kinh phí cho các đoàn hoạt động trên địa bàn phụ trách. Có ý kiến chỉ đạo Ban ATGT huyện Cái Nước, TP. Cà Mau tiếp tục theo dõi, phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các bến thủy nội địa hoạt động không phép nằm trong hành lang an toàn cầu bắc qua sông (cụ thể là cầu Lương Thế Trân và cầu Huỳnh Thúc Kháng).

Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh đề xuất UBND tỉnh sớm triển khai phương án giải tỏa đáy cá và các hoạt động khai thác thủy sản khác trên sông, kênh, rạch địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, có biện pháp bảo đảm ATGT đối với các công trình thi công trên ĐTNĐ do Sở này làm chủ đầu tư.

Sở Giao thông vận tải Cà Mau xem xét đề xuất UBND tỉnh bổ sung quy hoạch, tổ chức quản lý và cấp giấy phép hoạt động bến khách ngang sông trên tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, địa bàn giáp ranh địa giới hành chính của hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *