Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Lễ hội Nghinh Ông – Sông Đốc là lễ hội tín ngưỡng dân gian lớn của tỉnh, thu hút đông đảo khách thập phương. Ảnh: HUỲNH LÂM

Mục đích kế hoạch nhằm triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản VHPVT hiện có trên địa bàn tỉnh một cách khoa học, đầy đủ. Đảm bảo việc nhận dạng để đề xuất cấp thẩm quyền đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đưa vào Danh mục di sản VHPVT Quốc gia.

Món ba khía muối là một trong những đặc sản của ẩm thực Cà Mau. Năm nay, tỉnh sẽ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với di sản nghề truyền thống Muối ba khía. Ảnh: HUỲNH LÂM

Huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của toàn xã hội, các chủ thể văn hóa và tổ chức, cá nhân có liên quan. Có các giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản VHPVT để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa một cách lâu dài, bền vững; giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa; thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của công chúng, nhất là các đối tượng học sinh, sinh viên.

Nghệ thuật trình diễn dân gian múa lân thuộc di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh. Phong trào sinh hoạt đờn ca tài tử được duy trì ở các địa phương, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần người dân vùng sông nước. Ảnh: HUỲNH LÂMDi sản văn hóa Lễ hội Đền Hùng cũng sẽ được tỉnh lập hồ sơ và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo Quyết định số 298/QĐ-UBND ngày 23/2/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Công bố danh mục Di sản VHPVT trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tỉnh có 40 di sản VHPVT ở 6 loại hình:

Ngữ văn dân gian, gồm: Giai thoại Bác Ba Phi; nói thơ Bạc Liêu.

Nghệ thuật trình diễn dân gian, gồm: Cải lương; múa lân; hát Quảng, hát Tiều; đờn ca tài tử Nam Bộ; dù kê (Khmer); nhạc ngũ âm (Khmer).

Tập quán xã hội, gồm: Thờ Bà Thiên Hậu; thờ Bà Chúa Xứ; thờ Ngũ Hành nương nương; lễ hạ điền; cúng tổ nghề; lễ mừng thọ; cúng cô hồn; thờ Ông Bổn (Hoa); thờ cúng gia tiên.

Lễ hội truyền thống, gồm: Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc; lễ Sene Dolta; lễ Chol Chnam Thmay; lễ Ok Om Bok; Lễ vía Bà Thiên Hậu; Lễ hội Đền Hùng; lễ Kỳ Yên; Lễ vía Bà Thủy Long.

Nghề thủ công truyền thống, gồm: Làm mắm; dệt chiếu; muối ba khía (Rạch Gốc); gác kèo ong (U Minh Hạ); làm tôm khô (Rạch Gốc); nấu rượu; hầm than; đan lát; rèn; làm bún; mộc.

Tri thức dân gian, gồm: Trị bệnh Đông y (bằng thuốc Nam); trị rắn, rết, chó cắn; trị trật khớp (tay, chân…); trị bệnh bằng “mẹo” (mắc xương cá, dời ăn…).

Theo kế hoạch, năm nay, tỉnh trình Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục Di sản VHPVT Quốc gia đối với di sản: Nghề truyền thống Gác kèo ong; nghề truyền thống Muối ba khía. Năm 2020, lập hồ sơ di sản văn hóa Lễ hội Nghinh Ông – Sông Đốc, trình Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục di sản VHPVT Quốc gia. Năm 2021, lập hồ sơ và trình đối với di sản văn hóa Lễ hội Đền Hùng. Năm 2022, lập hồ sơ và trình đối với di sản văn hóa Nghề truyền thống làm tôm khô (Rạch Gốc). Năm 2023, lập hồ sơ và trình đối với di sản văn hóa Lễ vía Bà Thủy Long (Đầm Dơi). Năm 2024, lập hồ sơ và trình đối với di sản văn hóa Lễ vía Bà Thiên Hậu (Phường 2,       TP. Cà Mau).

Song song với đó, trong các năm này, tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị VHPVT đối với các di sản trên. Năm 2025, sẽ tổ chức kiểm kê di sản VHPVT trên địa bàn tỉnh, tổ chức hội thảo khoa học… Từ năm 2026 đến năm 2030, mỗi năm xây dựng ít nhất 1 hồ sơ di sản VHPVT đề nghị bổ sung vào Danh mục di sản VHPVT Quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân cho biết, về giải pháp thực hiện, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trên lĩnh vực di sản VHPVT. Bên cạnh đó, kiện toàn tổ chức, phát triển nguồn nhân lực của ngành di sản; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ ngành di sản; xây dựng đội ngũ cán bộ ngành di sản có chuyên môn sâu và kỹ năng tác nghiệp giỏi, chuyên môn hóa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *