Bữa cơm bán trú cho học sinh vùng sâu

Mỗi ngày có 150 suất ăn cho học sinh được chuẩn bị ngăn nắp, sạch sẽ.

Trường Tiểu học Nguyễn Việt Khái thực hiện theo hình thức bán trú bữa ăn sáng, trưa cho học sinh. Lãnh đạo nhà trường linh hoạt kêu gọi các tổ chức xã hội, các mạnh thường quân ủng hộ mô hình này. Nhờ vậy, năm học 2018 – 2019, trường vận động được gần 200 chăn ấm, gối êm đủ cho học sinh dùng. Dãy nhà ăn cũng được các mạnh thường quân hỗ trợ tu sửa, nâng cấp khang trang, tạo điều kiện cho học sinh có nơi ăn uống. Riêng chỗ nghỉ trưa, trường tận dụng 3 phòng học còn trống để làm chỗ ngủ riêng biệt.

Mỗi phần ăn sáng, trưa cho học sinh 30 ngàn đồng, với 3 món ăn ngon.

Xã hội hóa bữa ăn sáng, trưa cũng là cách làm đầu tiên của hệ thống trường tiểu học trong toàn huyện U Minh. Mô hình này bước đầu đem lại kết quả khá tốt; đảm bảo cho trường tổ chức được chương trình bán trú cho học sinh. Cô Lương Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Toàn trường có 343 học sinh/11 lớp, chủ yếu là con em nghèo vùng sâu, vùng xa trên địa bàn xã Khánh An theo học. Để phụ huynh đồng thuận chủ trương của nhà trường, thay đổi nhận thức “ăn cơm nhà đến lớp” sang “ăn ở bán trú” là không dễ. Nhờ có nhiều cuộc họp Ban Giám hiệu và phụ huynh, phân tích những hiệu quả thiết thực, qua đó phụ huynh rất đồng tình ủng hộ.

Chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh.

Thực tế cho thấy, học sinh của trường do điều kiện đi lại khó khăn, có nhiều trường hợp học sinh ở xa trường gần 10km. Cha mẹ làm đồng áng, không có thời gian chăm lo chu đáo cho con em, nên không ít học sinh phải nghỉ trưa tại trường. Cũng theo cô Mỹ Hạnh, trước mắt, do điều kiện nhà trường còn chật hẹp nên chỉ nhận bán trú 150 học sinh, chủ yếu là lớp 1 và 2. Các lớp còn lại chỉ bán trú cho học sinh cách xa trường từ 3km trở lên.

Chị em nấu bếp cùng giáo viên nhà trường lo bữa ăn sáng và làm thêm giờ để tổ chức chăm lo cho học sinh ăn, ngủ buổi trưa.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện U Minh, ông Trần Hoàng Lạc:  Từ khi có chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2016, UBND huyện giao Phòng triển khai thực hiện. Tuy bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, hiện nay chỉ có Trường Tiểu học Nguyễn Việt Khái là trường đầu tiên linh hoạt trong việc xã hội hóa để thực hiện bữa cơm bán trú. Đối với địa bàn vùng sâu vùng xa huyện U Minh, việc học sinh nghèo ở xa trường được tổ chức ăn, ở bán trú có ý nghĩa hết sức quan trọng. Mô hình này đã góp phần duy trì nền nếp dạy học 2 buổi/ngày và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Theo đánh giá bước đầu, các em học chuyên cần hơn, mạnh dạn, tự tin và có tinh thần tập thể cao. Cách làm của Trường Tiểu học Nguyễn Việt Khái cũng là một kinh nghiệm tốt cho các trường khác trên địa bàn tham khảo, học tập.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *