Cà Mau khắc phục hậu quả thiên tai

Tiến hành xử lý, khắc phục những vị trí sụt lún nhằm nối mạch giao thông vùng nông thôn sau thời gian bị chia cắt từ ảnh hưởng của thiên tai.

Khẩn trương thẩm định hồ sơ đề xuất hỗ trợ người dân bị thiệt hại

Trước thực tế trên, việc khắc phục thiệt hại do hạn hán được tỉnh triển khai tích cực, tuy nhiên còn gặp những khó khăn, hạn chế: Dân cư sống phân tán nên việc xây dựng hệ thống cấp nước nối mạng suất đầu tư cao; việc khắc phục sụt lún vùng ngọt phải chờ đến mùa mưa mới có nước để vận chuyển vật tư, khi đến mùa mưa thì lại khó thi công; việc bơm bùn vào các kênh, mương để ngăn chặn sụt lún đất rất có hiệu quả (đã ngăn chặn được sụt lún đê biển Tây, đoạn từ Kênh Mới đến Đá Bạc), nhưng lại gây nhiễm mặn, thiệt hại cho sản xuất vùng ngọt hóa; công tác rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại của một số địa phương còn chậm, chưa chính xác, việc hỗ trợ khắc phục hậu quả một số nơi chưa kịp thời; nguồn kinh phí khắc phục thiệt hại còn hạn chế, chưa khắc phục được triệt để thiệt hại.

Hiện nay, tỉnh chưa đề xuất được biện pháp phòng, chống sụt lún vùng ngọt hóa do không có nguồn nước ngọt bổ sung khi gặp hạn hán bất thường; vùng sản xuất lúa – tôm chưa được đầu tư hạ tầng thủy lợi hoàn chỉnh, khi gặp tình huống hạn hán xảy ra sớm, bất thường trước khi thu hoạch thì diện tích lúa – tôm bị thiệt hại.

Trong đợt thiên tai vừa qua, tỉnh đã huy động 765 lực lượng (huyện Trần Văn Thời 565 lực lượng, huyện U Minh 200 lực lượng) gồm: Dân quân, bộ đội địa phương, thanh niên xung kích, giúp dân thu hoạch lúa.

Ngay sau đại hạn lịch sử là mưa lớn kéo dài, cùng với triều cường lên cao với đỉnh triều lịch sử trong 30 năm trở lại đây đã gây ngập, làm diện tích sản xuất bị thiệt hại từ 30 – 100% hơn 18.000ha. Hiện tại, tỉnh đã thẩm định xong hồ sơ, đề xuất hỗ trợ thiệt hại khôi phục sản xuất cho người dân thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời, đang khẩn trương thẩm định hồ sơ đề xuất hỗ trợ thiệt hại đối với các địa phương còn lại.

Không những gây thiệt hại về sản xuất, mà thiên tai còn gây hư hại nghiêm trọng đến hạ tầng giao thông. Đối với các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, đơn vị quản lý đã triển khai dặm vá, sửa chữa, đến nay cơ bản đảm bảo đi lại của người dân; riêng các hư hỏng lớn: Đường Nguyễn Trãi thuộc Quốc lộ 63, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức khảo sát hiện trường, Cục Quản lý đường bộ IV đang làm việc, thống nhất với UBND TP. Cà Mau về giải pháp sửa chữa, trình Tổng cục xem xét, quyết định.

Đối với các đoạn ngập do triều cường thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất bố trí 1,5 tỷ đồng để khắc phục tạm thời. Sở Giao thông vận tải cũng đã tham mưu, đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương xem xét ưu tiên nâng cao độ mặt đường, đảm bảo an toàn đi lại cho người dân.

Đối với hệ thống đường tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã thực hiện xong việc dặm vá, sửa chữa mặt đường, đảm bảo an toàn đi lại cho người dân. Với các đoạn hư hỏng lớn, Sở đã chủ động lập hồ sơ thiết kế – dự toán với tổng kinh phí 5,9 tỷ đồng, đang khẩn trương triển khai sửa chữa, dự kiến đến 15/12/2020 hoàn thành việc sửa chữa các hư hỏng lớn.

Do tác động của thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh hoàn thiện về hạ tầng, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là rất cần thiết.

Kiến nghị Trung ương hỗ trợ trong thực hiện nghiên cứu quy hoạch đối với vùng ngọt hóa

Vùng ngọt Cà Mau rất dễ tổn thương mỗi khi có thiên tai, sức chống chịu hạn chế khi hạ tầng cho sản xuất thiếu đảm bảo, thiệt hại khá nặng nề, để lại hậu quả lâu dài… Cà Mau nhận thức việc tổ chức sản xuất vùng ngọt hóa thích ứng với biến đổi khí hậu cần có thêm thời gian để nghiên cứu chặt chẽ, với đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn. Bên cạnh những giải pháp trước mắt, địa phương kiến nghị Trung ương hỗ trợ trong thực hiện nghiên cứu quy hoạch đối với vùng ngọt hóa của tỉnh.

Một thực tế chỉ ra rằng, trong lập quy hoạch vùng ĐBSCL, vùng ngọt hóa của tỉnh tiếp tục được quy hoạch sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, tuy nhiên, trong nghiên cứu quy hoạch lại chưa xác định được phương án cấp nước ngọt từ Sông Hậu về vùng này, để rồi tái diễn điệp khúc khi nắng thì thiếu, mưa lại thừa nước, sản xuất thiếu bền vững.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, Cà Mau đã xử lý sạt lở đai rừng phòng hộ bảo vệ đê biển Tây với tổng chiều dài trên 6.700m, tổng kinh phí gần 92 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Về sạt lở đất ven sông với tổng chiều dài 5.820m, sử dụng nguồn Quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh với tổng kinh phí 11,3 tỷ đồng để khắc phục. Đầu tư xây dựng trạm cấp nước, lắp đặt đường ống với kinh phí 50 tỷ đồng. Xử lý 17/18 cống bị xói đáy (còn lại cống Trùm Thuật Nam đang thực hiện); 6/11 điểm sụt lún trên các tuyến đường do cấp tỉnh quản lý, với tổng kinh phí khoảng 44 tỷ đồng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *