Cà Mau tự “mò mẫm” thực hiện giải pháp công trình ứng phó biến đổi khí hậu

Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng đoàn công tác Trung ương, nêu lên những yêu cầu trong ứng phó, thích ứng tác động biến đổi khí hậu tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau.

Ông Cao Đức Phát cho rằng nhiệm vụ của tỉnh trong “cuộc chiến” này nhiều và khẩn cấp, Trung ương và các tổ chức quốc tế cũng đã vào cuộc, nhưng quan trọng là nhận thức của xã hội, thích ứng trước thiên tai.

Tác động của BĐKH ảnh hưởng gần như toàn diện các mặt đời sống trên toàn địa bàn tỉnh, ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nêu lên thực tế tình hình trên địa bàn, đồng thời cho rằng việc nâng cấp đê biển là nhiệm vụ khá nặng nề đối với địa phương, mà đây là việc cần phải thực hiện mang tính cấp bách, khẩn cấp.

Cà Mau ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề nhất của BĐKH, nhưng vốn đầu tư từ Trung ương lại rất thấp, cào bằng các địa phương, không đủ để tỉnh ứng phó tại những nơi xung yếu, cần khẩn cấp trong thực hiện giải pháp công trình, nói gì đến sự chủ động, ông Trần Văn Hiện, Chủ tịch HĐND tỉnh, bức xúc.

Trong 35 cụm, tuyến dân cư ven biển được quy hoạch, thực hiện, nhưng đến nay chỉ cơ bản hoàn thiện 4 dự án, không còn vốn hỗ trợ từ Trung ương, nên chỉ mới đưa được 1.500/8.000 dân thuộc đối tượng sống ngoài đê, ven biển cần di dời vào các cụm tuyến dân cư, trong khi đây là vùng ảnh hưởng lớn từ thiên tai, nước biển dâng, cuộc sống người dân còn khá bấp bênh, nguy cơ thiệt hại người và tài sản khá lớn.

Nêu lên những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nhất là trên lĩnh vực ứng phó, thích ứng tác động ngày càng nghiêm trọng của BĐKH, tỉnh Cà Mau kiến nghị xem xét áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ vốn ODA đầu tư cho các dự án xây dựng đê biển, kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ, không phải vay lại vì đây là những dự án mang tính bảo tồn hệ sinh thái, giữ đất, giữ rừng, không có khả năng thu hồi vốn.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Tâm – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, vốn đầu tư công là để phát triển, sinh lợi trong điều kiện nguồn đầu tư hạn hẹp, nhưng Cà Mau phải dành 40% nguồn vốn này cho các công trình ứng phó BĐKH, để chống suy giảm.

Về giải pháp công trình trong ứng phó BĐKH, ông Lê Văn Sử mong muốn Trung ương giúp địa phương nghiên cứu, lựa chọn giải pháp để áp dụng triển khai, vì trên thực tế những công trình, dự án kè hộ đê đã qua địa phương chỉ mới thử nghiệm, tự “mò mẫm” làm, dẫn đến suất đầu tư lớn, còn lãng phí nguồn lực. Cần phải có cái nhìn mới, nghiên cứu khoa học trong ứng phó, thích ứng BĐKH cho Cà Mau.

Cà Mau kiến nghị tăng cường việc hỗ trợ vốn để địa phương sớm hoàn thành các dự án lồng ghép ứng phó BĐKH nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, cũng như hạn chế thiệt hại cho hoạt động sản xuất của nhân dân do mực nước dâng do đường ngập.

Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu quốc tế, tác động của BĐKH đang làm thay đổi nhanh hơn, tác động nghiêm trọng hơn so với kịch bản đưa ra trước đây. Triều cường gây ngập lụt tại các đô thị, vùng ven biển, hay cao điểm là đợt ảnh hưởng của El Nino năm 2016, hạn hán và xâm nhập mặn là bài học lớn, cần kịp thời thay đổi tư duy trong ứng phó, thích ứng.

Ngoài tập trung xây dựng đê, kè hộ đê, trồng rừng ven biển, ven sông… Cà Mau tiến hành chuyển đổi sản xuất từ hệ sinh thái chuyên biệt sang hệ sinh thái theo mùa. Theo nguồn nước, vùng đất mà chọn mô hình, đối tượng sản xuất thích ứng BĐKH, trong đó tôm – lúa, tôm – rừng là hình thức sản xuất phát triển, ổn định, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm cạnh tranh, giữ được hệ sinh thái.

Nhiều vấn đề được các đại biểu đưa ra thảo luận tại buổi làm việc, trong đó cần đánh giá, cơ cấu lại các hình thái sản xuất để tiến hành quy hoạch, sử dụng đất. Việc thực hiện quy hoạch thủy lợi phải được triển khai đồng bộ, cấp bách hệ thống hạ tầng, theo kịp yêu cầu thực tiễn đang diễn ra, tránh tình trạng khi đang triển khai thì phải thay đổi quy hoạch, bởi không còn phù hợp bởi tác động của BĐKH đang diễn tiến nhanh…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *