Cải cách yếu tố con người trong nền hành chính phục vụ

Cải cách hành chính là quá trình khắc phục mọi lực cản trong hệ thống bộ máy tổ chức, trong cơ chế vận hành và những hạn chế, yếu kém về năng lực quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước. Những lực cản đó bắt nguồn từ cơ chế, chính sách chồng chéo, không phù hợp và đặc biệt là từ chính bản thân những con người nằm trong bộ máy nhà nước. Quan hệ giữa nền hành chính và người dân là quan hệ tương hỗ, mà trong đó cán bộ, công chức – những “công bộc của nhân dân” có trách nhiệm quản lý công việc của Nhà nước, giữ gìn bảo vệ quyền lợi công và phục vụ nhu cầu của nhân dân trên cơ sở những quy định của pháp luật. Vì vậy, vấn đề cốt lõi của cải cách là phải nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Phải xây dựng đội ngũ công chức có tính chuyên nghiệp cao, có đủ trình độ, có kỹ năng để triển khai những quyết định hành chính và ý thức chuyên nghiệp trong thực thi công vụ là vấn đề then chốt. Tâm lý “xin phép” và hành động theo mệnh lệnh đã dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng trước các vấn đề phát sinh trong cuộc sống, khiến công việc bị ách tắc.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ là yếu tố cốt lõi của cải cách hành chính hiện nay. Ảnh chụp một quy trình giải quyết thủ tục giải ngân vốn của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Điều đáng quan tâm hơn là sự cố tình nhầm lẫn giữa quyền lực và trách nhiệm công vụ. Biểu hiện rõ nhất là “văn hóa phong bì”, tệ nạn “bôi trơn” trong việc giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn đâu đó trong xã hội. Phí “bôi trơn” quá lớn, dẫn tới chi phí đầu tư của doanh nghiệp tăng cao. Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ tiềm lực để đeo đuổi, mất cơ hội kinh doanh, đầu tư do chi phí không chính thức này. Sự “méo mó” của một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ thực thi công vụ, làm suy yếu hệ thống quản lý nhà nước, làm mất sức cạnh tranh trong thời buổi khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường.

Trong rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, hoàn toàn có thể nhận định rằng: Chính sự yếu kém và cửa quyền hoặc vô trách nhiệm của một bộ phận công chức đã làm cho Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong nhiều năm tụt hạng và sẽ tiếp tục có nguy cơ tụt hạng trong những năm tiếp theo, khi mà những yếu kém này chưa được khắc phục. Chỉ số PCI là “tấm gương” để mỗi đơn vị và địa phương soi lại công việc của mình, để đánh giá những ưu điểm, nhược điểm và tích cực xây dựng bộ máy hành chính nhà nước trong sạch vững mạnh, đáp ứng lòng tin yêu của người dân, doanh nghiệp.

Trình độ yếu kém của một bộ phận cán bộ, công chức trong công tác quản lý, tham mưu, hoạch định… đã dẫn đến tình trạng sai phạm ngay trong ban hành chính sách hiệu lực thực thi không cao. Hệ lụy là sự mất lòng tin của doanh nghiệp và người dân đối với hệ thống quản lý nhà nước. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng nhưng nặng về lý luận chung, thiếu thực tiễn nên bằng cấp nhiều nhưng không đủ năng lực thực thi nhiệm vụ. Nhiều người không hiểu quy trình làm việc, hoặc nếu hiểu thì bớt xén quy trình. Không có đủ năng lực tự giải quyết công việc, không ý thức được trách nhiệm công vụ, nhiều cán bộ, công chức làm việc theo kiểu nhìn trước, ngó sau, đoán ý cấp trên, liên kết thành “nhóm lợi ích” để gây khó dễ, làm chậm lại quá trình thực hiện công việc…

Bất cứ loại hình tổ chức hành chính công nào cũng cần đến những người làm tốt công việc với kiến thức, kỹ năng, thái độ đáp ứng yêu cầu của vị trí công việc. Vì thế, để vận hành bộ máy hành chính thật sự hiệu quả, việc đầu tiên và quan trọng nhất chính là công tác tổ chức cán bộ. Để đẩy mạnh công cuộc CCHC, bên cạnh việc phân cấp quản lý kinh tế – xã hội, vấn đề ưu tiên hàng đầu là nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, bởi cốt lõi của CCHC là cải cách về tinh thần trách nhiệm, ý thức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *