Cải thiện các chỉ số thành phần thấp điểm là nhiệm vụ trọng tâm

Để kịp thời hỗ trợ người dân và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, thời gian qua, việc huy động mọi nguồn lực xã hội đã được tỉnh Cà Mau triển khai đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm cải thiện PCI, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã từng bước được cải thiện, doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư ngày càng được tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong gia nhập thị trường để hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải thiện PCI của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn: Việc tham mưu ban hành điều chỉnh bảng giá các loại đất năm 2015 còn chậm; chưa tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, TP. Cà Mau. Phần lớn các DN của tỉnh có quy mô nhỏ, hộ kinh doanh gia đình nên khả năng tiếp cận, tìm hiểu thông tin qua mạng, các kênh thông tin điện tử còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến năng lực cạnh tranh của DN.

Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh phần lớn sản xuất còn nhỏ lẻ, theo mùa vụ; chất lượng, mẫu mã hàng hóa chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn yêu cầu, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, đặc biệt là đối với các siêu thị lớn, hiện đại trong nước và các nhà nhập khẩu. Hạ tầng kỹ thuật của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều chưa được đầu tư hoàn thiện nên chưa thu hút được các nhà đầu tư để khai thác các tiềm năng của tỉnh, các dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tiến độ thực hiện chậm. Vai trò của các hiệp hội, hội DN của tỉnh chưa thực sự hoạt động đúng mức theo chức năng, nhiệm được giao.

Lãi suất vay các ngân hàng thương mại đã giảm so với trước đây, nhưng DN vẫn khó tiếp cận vì không đáp ứng đủ điều kiện tín dụng theo quy định của ngân hàng.

Tình hình trộm cắp tài sản tại các DN trên địa bàn tỉnh còn xảy ra (trong năm 2018, có 12 vụ án, với tổng số tài sản bị chiếm đoạt trị giá trên 261 triệu đồng, còn 4 vụ đang trong giai đoạn điều tra). Do công tác chỉ đạo ở một số địa phương chưa chặt chẽ, công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự với các lực lượng bảo vệ từng lúc chưa kịp thời.

Công tác triển khai dịch vụ trực tuyến mức độ 3, 4, người dân chưa tích cực tham gia; chưa có nguồn lực để thực hiện sàn giao dịch công nghệ điện tử nên hoạt động cung cấp dịch vụ công nghệ còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khai thác và công khai các loại thủ tục hành chính cũng như sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hành chính trong giải quyết thủ tục cho DN, nhà đầu tư hiệu quả chưa cao. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, thực hiện các thủ tục về đất đai còn gặp khó khăn, chậm khắc phục; công tác kiểm kê lập phương án bồi thường, hỗ trợ còn để xảy ra sai sót.

Từ cơ sở thực tế, cũng như đề xuất kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh thống nhất trong những tháng đầu năm 2019, sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan cần nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện tích cực các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 22/11/2019 của UBND tỉnh. Đặc biệt, tập trung cải thiện kết quả 6/10 chỉ số thành phần năm 2017 (đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ DN, tính minh bạch, tính năng động, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý) còn thấp hơn điểm trung vị cả nước.

Sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả PCI năm 2019, Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá và bàn giải pháp, kế hoạch cải thiện PCI tỉnh Cà Mau năm 2019. Tạo điều kiện để các đơn vị đầu mối các chỉ số thành phần tham dự để học tập kinh nghiệm thông qua các hội nghị phân tích kết quả PCI do VCCI hoặc VCCI Chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức hàng năm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *