Chợ xây hơn 33 tỷ đồng gần như bị bỏ không

Ngành chuyên môn tỉnh đã có động thái gỡ khó cho doanh nghiệp, thế nhưng đến nay các tiểu thương vẫn còn buôn bán ở các điểm chợ nhóm, chưa vào nhà lồng chợ.

Công trình Chợ Lớn có tổng kinh phí xây dựng 33,3 tỷ đồng do Công ty TNHH Xây dựng Thiên Phát (TP. Cà Mau) làm chủ đầu tư, bắt đầu xây dựng từ tháng 5/2017, đến nay đã hoàn thành và có thể đưa vào khai thác. Tuy nhiên, nghịch lý là chợ mới đã xây xong nhưng tiểu thương vẫn mua bán ở các điểm chợ nhóm, mất an toàn vệ sinh, an ninh trật tự, mất vẻ mỹ quan đô thị.

Chợ bạc chục tỷ đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 3/2020; chợ xây dựng kiên cố, cơ sở hạ tầng được đảm bảo: Mặt bằng được nâng cao, nhà lồng chợ được phân lô, cơ sở vật chất đạt yêu cầu. Chợ được xây dựng với quy mô chợ loại II: 216 quầy; đối với khu nhà lồng cho thuê tháng giá dao động từ 1,2 – 1,8 triệu đồng/quầy tùy theo vị trí; đối với khu chợ nông sản thực phẩm có giá cho thuê từ 400 – 700 ngàn đồng/điểm kinh doanh. Chợ quy mô, hiện đại là thế, song hiện nay chỉ mới cho thuê được 18 quầy.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, sau phản ảnh của DN, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra vào cuối tháng 9 vừa qua và đoàn công tác đã có nhìn nhận về một số hạn chế cần phải khắc phục: Hoàn thiện hồ sơ về công tác phòng cháy chữa cháy để đảm bảo an toàn cho tiểu thương khi kinh doanh mua bán; thành lập Ban Quản lý chợ phù hợp với tình hình của DN và địa phương; cần thông tin, tuyên truyền rộng rãi tới bà con tiểu thương, hộ kinh doanh mua bán trong khu vực thị trấn Sông Đốc về giá cho thuê quầy, chính sách giảm giá của công ty…

Chính quyền địa phương hiện nay vẫn chưa “xóa” được các nhóm chợ tự phát quanh chợ mới. Đây được xem là nguyên nhân chính, cốt lõi dẫn đến việc Chợ Lớn xây hàng chục tỷ đồng chưa khai thác hết công suất thiết kế ban đầu. Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Dương Vũ Nam khẳng định: “Đây là dự án được mời gọi đầu tư bằng 100% vốn DN, nếu địa phương không có giải pháp hỗ trợ thì DN sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, do các chợ nhóm tự phát làm ảnh hưởng, gây lãng phí tiền đầu tư của DN, thất thu cho ngân sách nhà nước. Theo đó, chúng ta sẽ khó mời gọi đầu tư ở các dự án tương tự trong thời gian tới”.

Ông Hồ Văn Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thiên Phát, trần tình: “Nguồn vốn đầu tư cho Dự án chủ yếu là vốn vay, nếu tình trạng này kéo dài thì DN sẽ rất khó khăn. Rất mong sự chung tay góp sức cùng tháo gỡ khó khăn với công ty, tạo điều kiện tốt nhất để Chợ Lớn Sông Đốc hoạt động như thỏa ước mời gọi đầu tư lúc ban đầu”.

Khi PV thực hiện bài viết này, Sở Công thương đã có báo cáo xử lý nội dung kiến nghị của Công ty TNHH Xây dựng Thiên Phát gửi đến Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN tỉnh, vào đầu tháng 10/2020. Thế nhưng, đến nay, tình hình vẫn chưa có biến chuyển. Chợ vẫn chưa có tiểu thương nào đăng ký thuê thêm quầy mới; DN vẫn phải trả lãi vay hàng tháng cho ngân hàng. Hiện thủ tục, hồ sơ về công tác phòng cháy chữa cháy công ty đã hoàn thành, giá thuê cũng đã giảm… chỉ chờ tiểu thương ký hợp đồng về nơi kinh doanh mới khang trang và tiện ích hơn.

Ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN tỉnh, cho biết: “Trung tâm đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Trần Văn Thời cũng như thị trấn Sông Đốc về việc giải tỏa các chợ tạm, để tiểu thương mua bán trong chợ mới; đồng thời tham mưu ngành Thuế có những chính sách ưu đãi cho DN. Chợ được xây dựng bằng 100% vốn DN, phải giải quyết một cách triệt để, thấu tình đạt lý; tránh những tiền lệ xấu về sau, ảnh hưởng đến công tác mời gọi đầu tư các điểm chợ tiếp theo”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *