Chủ động sản xuất “mùa COVID-19”

Ông Lương Văn Bớt (ấp Tân Phú Thành, xã Tân Hưng Tây) tận dụng diện tích xung quanh nhà trồng hoa màu, cây ăn trái, mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng.

Hiện nay, cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới trong phòng, chống dịch: Dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Trong giai đoạn mới, chúng ta cần vừa thực hiện giãn cách xã hội vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân.

Phú Tân là huyện ven biển, có 39.072ha nuôi trồng thủy sản; trong đó bố trí sản xuất theo các loại hình: Tôm – rừng, tôm công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến và tôm quảng canh truyền thống. Đến nay, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 477ha, năng suất từ 30 – 40 tấn/ha/vụ. Diện tích tôm công nghiệp thâm canh: 1.261ha, năng suất từ 4 – 6 tấn/ha/vụ. Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến: 20.156ha, năng suất bình quân 550kg/ha/vụ. Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến hai giai đoạn 7.848ha. Năng suất từ 500 – 700kg/ha/vụ.

Trong quá trình nuôi tôm, đa số người nuôi đã biết áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất: Quy trình cải tạo ao đầm, lựa chọn con giống, xử lý môi trường, quy trình chăm sóc tôm nuôi… đồng thời người dân luôn có sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Mô hình nuôi cá bống tượng của hộ ông Mai Văn Phen (ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo), mỗi năm lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 03 của Huyện ủy Phú Tân về việc phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân tận dụng sân, vườn, bờ liếp và bờ bao vuông tôm để trồng cây trái, hoa màu tăng thu nhập; đến nay, huyện Phú Tân vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trồng được gần 300ha hoa màu các loại, có nhiều hộ thu nhập mỗi tháng từ 5 – 10 triệu đồng.

Hiện nay, toàn huyện có trên 7.300 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm, cua, sò, cá bống tượng kết hợp, với diện tích trên 13.000ha, đã có nhiều hộ sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mỗi năm trên 200 triệu đồng; có 20 hợp tác xã, với 267 xã viên, 126 tổ hợp tác, với 1.399 tổ viên. Huyện Phú Tân luôn quan tâm củng cố các tổ chức sản xuất, làm cơ sở cho sản xuất phát triển và góp phần xây dựng nông thôn mới. Tình hình kinh tế hợp tác có bước phát triển, hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên.

Theo báo cáo, tổng thiệt hại trên lĩnh vực ngư – nông – lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các lĩnh vực khác trên địa bàn huyện Phú Tân do ảnh hưởng dịch COVID-19 đến thời điểm này khoảng 252 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực sản xuất ngư – nông – lâm nghiệp bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch bệnh và hạn mặn, thiệt hại khoảng 250 tỷ đồng. Các lĩnh vực khác: Kinh doanh dịch vụ, du lịch, lưu trú, kinh doanh vận tải, thủy sản… thiệt hại ước tính hơn 2 tỷ đồng.

Cá khô khoai là sản phẩm đặc trưng của thị trấn Cái Đôi Vàm.

Tại Hội nghị, đại biểu được nghe các hộ dân chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong sản xuất, các ngành chuyên môn chia sẻ về công tác tuyên truyền, tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ  nông dân phát triển kinh tế, nhân rộng những mô hình hiệu quả. Hội nghị cũng đã nêu ra những khó khăn, hạn chế trong phong trào sản xuất, nhất là trong thời điểm phòng chống dịch COVID-19. Từ đó, lãnh đạo huyện cùng cách ngành chuyên môn có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, có biện pháp triển khai thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Năm 2020, huyện Phú Tân phấn đấu có 10.086ha diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống; 1.800ha tôm công nghiệp; 23.000ha tôm quảng canh cải tiến; 1.300ha trồng hoa màu; 450ha cây ăn trái; thành lập mới từ 1 – 2 hợp tác xã, từ 10 – 20 tổ hợp tác.

Nhằm khôi phục và phát triển sản xuất sau dịch bệnh, phấn đấu đạt kế hoạch trong sản xuất năm 2020, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, ông Võ Trường Giang chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo nhân rộng những mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy thế mạnh mũi nhọn của từng địa phương, đơn vị theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm, phối hợp, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong sản xuất, chăn nuôi, tăng cường thực hiện nhiệm vụ kép, vừa ưu tiên phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế – xã hội đạt kế hoạch đề ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *