Đầm Dơi: Cần trên 150 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng

Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Bạch Đằng làm trưởng đoàn, tham quan thực tế mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm của hộ ông Bào Văn Phi, ấp Tân Long B, xã Tân Dân.

Trong Quý I, tình hình sản xuất, nhất là nuôi tôm trên địa bàn tiếp tục phát triển. Diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng 2,3ha, nâng tổng diện tích toàn huyện 2.933ha. Tuy nhiên, hiện diện tích thả nuôi đạt thấp, nguyên nhân do người nuôi thiếu vốn, sợ rủi ro…

Tính đến cuối tháng 3, huyện thu ngân sách được 14 tỷ đồng, đạt 24,25% chỉ tiêu tỉnh giao. Toàn huyện hiện có 6.443 hộ nghèo (theo tiêu chí mới), chiếm tỷ lệ 14,86%.

Tuyến đường về xã Tân Thuận hiện đang xuống cấp. Để xây dựng hoàn thiện tuyến ô tô về trung tâm xã này cần nguồn kinh phí đến 71,2 tỷ đồng.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng, hiện còn 3 xã là Tân Thuận, Nguyễn Huân và Quách Phẩm chưa có đường ô tô về trung tâm xã. Để hoàn thiện 3 tuyến này, địa phương cần 119 tỷ đồng. Theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy, năm 2016 thực hiện đạt 45% điểm trường đạt chuẩn Quốc gia, như vậy huyện phải xây dựng 4 trường đạt chuẩn Quốc gia, với kinh phí khoảng 36 tỷ đồng, nhưng đến nay tỉnh mới ghi kế hoạch vốn 12 tỷ đồng, còn cần khoảng 24 tỷ đồng thì mới hoàn thiện tiêu chí này.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đưa xã Tạ An Khương đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016. Tuy nhiên, hiện tiêu chí xây dựng lộ giao thông nông thôn còn nhiều công trình chưa có vốn đầu tư, cần khoảng 13,8 tỷ đồng mới hoàn thiện tiêu chí này. Như vậy, để xây dựng kết cấu hạ tầng năm 2016 và những năm tiếp theo, Đầm Dơi cần trên 150 tỷ đồng.

Do đặc thù của huyện, một số ấp: Ngã Bát, Bào Giá (xã Trần Phán); Nhà Cũ, Cây Kè (xã Quách Phẩm Bắc); Đồng Tâm A, Đồng Tâm B (xã Tân Duyệt); Tân Phú (xã Tạ An Khương), thiếu nước ngọt sử dụng, phải khai thác ở tầng sâu trên 300m. Người dân không có điều kiện khai thác riêng lẻ nên gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện nhiều nơi do ảnh hưởng của triều cường, nước biển dâng, gây sạt lở đất, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là ở các xã: Tân Thuận, Tân Tiến, Nguyễn Huân, Thanh Tùng. Địa phương kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ vốn để duy tu bờ bao, chống tràn, chống sạt lở, đảm bảo sản xuất…

Về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021, được thực hiện đúng thời gian, đúng luật định. Nhiệm kỳ mới này, HĐND huyện được bầu 40 đại biểu; HĐND cấp xã được bầu 460 đại biểu.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy, đại diện lãnh đạo các sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và các ngành liên quan tham gia ý kiến, tìm hướng giúp địa phương xở gỡ khó khăn, thực hiện đạt các mục tiêu, kế hoạch của năm.

Liên quan đến vấn đề xâm nhập mặn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Bạch Đằng: Đầm Dơi tuy không chịu ảnh hưởng nhiều so với các địa phương khác trong tỉnh, nhưng cũng cần nghiên cứu tới hệ lụy lâu dài của vấn đề này, nghiên cứu tìm các mô hình kinh tế hiệu quả phù hợp, ưu tiên phát triển các mô hình đa cây – đa con, góp phần nâng cao năng suất, mức sống người dân. Về vấn đề hạ tầng nông thôn, huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền nhân dân trồng cây mắm, cây đước làm hàng rào, bờ kè giữ đất, hạn chế sạt lở. Tập trung đầu tư nâng cấp chỉnh trang đô thị để thị trấn đạt đô thị loại IV vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết của Huyện ủy. Quan tâm chất lượng khám và điều trị bệnh, vận động nhân dân mua Bảo hiểm y tế; quan tâm công tác chăm lo gia đình chính sách…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Bạch Đằng cũng đề nghị địa phương điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm vấn đề “tín dụng đen” mà báo chí đã thông tin thời gian gần đây trên địa bàn huyện, bởi vấn đề này đang diễn biến phức tạp, tinh vi và hậu quả khôn lường…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *