Để bệnh nhân lao không còn mặc cảm !

Thực hiện Chương trình phòng chống lao Quốc gia, những năm qua, ngành Y tế Cà Mau đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh đã áp dụng phác đồ điều trị mới, ứng dụng tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt điều trị cho những bệnh nhân lao kháng thuốc, do đó từ năm 2000 đến nay, dịch tễ lao trung bình giảm 4,6%, tỷ lệ điều trị khỏi đạt trên 95%; phấn đấu đến năm 2020 sẽ “thanh toán” bệnh lao.

Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh đã được trang bị các thiết bị hiện đại, giúp việc chẩn đoán cũng như thực hiện các xét nghiệm bệnh lao được hiệu quả hơn.

BỆNH CHẮC CHẮN ĐƯỢC CHỮA KHỎI

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Tổ trưởng Tổ lao, Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh cho biết, bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm, vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể bằng đường hô hấp, tiêu hóa… Những giọt đờm, nước bọt của người mắc bệnh lao mang vi khuẩn, lơ lửng trong không khí, mắt thường không thể nhìn thấy được và phân tán xung quanh nơi người bệnh ở. Bệnh lao được chia ra hai loại: Lao phổi (số bệnh nhân mắc phải chiếm 80%) và lao ngoài phổi (như lao màng não, lao hạch, lao ruột… chiếm 20%). Hiện nay, tất cả các bệnh nhân lao được điều trị theo phác đồ và điều trị ngoại trú. Bệnh chắc chắn được chữa khỏi, nhưng cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Là cơ sở y tế ở địa phương tập trung đông dân cư, thời gian qua, Trung tâm Y tế TP. Cà Mau đạt nhiều kết quả trong công tác phòng chống bệnh lao. Ông Phan Thế Nghiệp, Tổ trưởng Tổ lao, thông tin: “Tình hình bệnh lao trong thời gian qua có xu hướng giảm. Năm 2016 ghi nhận 275 ca, từ đầu năm đến nay ghi nhận 95 ca mắc bệnh và đang điều trị, có tiến triển tốt”. Các bệnh nhân lao, đối tượng chủ yếu là người dân lao động có mức sống thấp, môi trường sống không đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng lao phát triển; một số người có sức khỏe kém hoặc đang điều trị bệnh ung thư, các bệnh miễn nhiễm… và ở chung với người mắc bệnh lao, bị vi trùng lao lây lan. Theo ông Phan Thế Nghiệp, biện pháp tốt nhất là phát hiện sớm để tránh lây lan sang người khác.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, nếu như thấy trường hợp ho kéo dài, dai dẳng trên 3 tuần mà không rõ nguyên nhân thì nên đến các cơ sở y tế thăm khám và xét nghiệm đờm… Nếu mắc lao phải tuân thủ triệt để các chế độ điều trị, giữ vệ sinh chung, tránh truyền bệnh cho người xung quanh. Trong quá trình điều trị, nếu có các dấu hiệu bất thường phải báo cáo ngay với thầy thuốc để ngăn chặn các tai biến do thuốc gây ra.

KHÓ KHĂN TRONG KIỂM SOÁT LAO KHÁNG THUỐC

Thực hiện và triển khai Chương trình phòng chống lao Quốc gia, Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh là nơi các bệnh nhân lao được phát hiện sớm, khi xác định dương tính với bệnh lao đều được tiến hành xét nghiệm: Thử đờm, xét nghiệm máu… Hiện nay, Trung tâm đã được trang bị 2 máy Gene Xpert, giúp việc chẩn đoán cũng như thực hiện các xét nghiệm được hiệu quả hơn.

Hiện nay, vấn đề lao kháng thuốc được ngành Y tế quan tâm, mặc dù phấn đấu điều trị 20 tháng nhưng tỷ lệ điều trị thành công khoảng từ 70 – 80%. “Do tỉnh Cà Mau có địa bàn sông ngòi chằng chịt, nên công tác phát hiện lao còn nhiều khó khăn, đặc biệt những người mắc lao là những người nghèo, vùng xa, do đó có một số đã phải bỏ trị. Trong năm qua, lao kháng thuốc rất nhiều nên việc kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn”, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm.

Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Y tế TP. Cà Mau ghi nhận 20 ca lao kháng thuốc. “Trong phác đồ điều trị bệnh lao sẽ không sử dụng loại thuốc chích, nhưng lao kháng thuốc thì 6 tháng đầu phải sử dụng loại thuốc chích, buộc phải chích đều đặn hằng ngày, cho nên bệnh nhân họ rất “ngán”; số lượng thuốc khá nhiều nên bệnh nhân uống không đều, gây khó khăn cho công tác điều trị”, ông Nghiệp cho biết. Thêm nữa, người mắc bệnh lao thường mặc cảm, có nhiều trường hợp “giấu bệnh”, không đến các trung tâm y tế để điều trị, dẫn đến bệnh lao càng nặng, khả năng kháng thuốc là rất cao. Ông Tất Văn Thoàng, Trưởng khoa Các bệnh xã hội, Trung tâm Y tế dự phòng TP. Cà Mau: “Đối với những trường hợp lao phổi dương tính, dễ lây truyền, sau khi phát hiện thì có biện pháp cách ly cá nhân: Mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc những người thân trong gia đình, cho đến khi đờm không còn vi trùng nữa thì có thể hòa nhập vào cộng đồng”.

Nằm trong khu vực có dịch tễ lao cao, vì vậy công tác phòng chống lao kháng thuốc vẫn còn là một thách thức. Bác sĩ Ninh Văn Hoa, Giám đốc Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh: “Để công tác phòng chống lao được tốt hơn, Trung tâm đã tham mưu với lãnh đạo Sở Y tế, UBND tỉnh, làm sao cho công tác phòng chống là nhiệm vụ của toàn xã hội, cần được quan tâm, đầu tư thỏa đáng hơn. Sắp tới, Trung tâm sẽ thành lập ban chỉ đạo để triển khai chiến lược phòng chống lao của tỉnh giai đoạn năm 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các phát hiện thường quy, cũng như các phát hiện chủ động dựa vào quản lý điều trị trong Chương trình phòng chống lao Quốc gia, đặc biệt là bệnh nhân lao kháng thuốc. Chú trọng chất lượng quản lý điều trị, giảm tỷ lệ bỏ trị; công tác truyền thông, huy động xã hội tại các tuyến của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế xã và triển khai thực hiện quy định về khám, chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế cho bệnh nhân lao và nghi lao.

Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao, bác sĩ Ninh Văn Hoa: “Chia sẻ về những khó khăn cũng như nỗi đau bệnh tật của bệnh nhân lao, chúng tôi cam kết hệ thống y tế sẽ tạo mọi điều kiện để bệnh nhân điều trị bệnh. Đối với cộng đồng, không nên kỳ thị đối với những người mắc bệnh này, vì bệnh lao có thể phòng chống và chữa khỏi hoàn toàn”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *