Đẹp hơn hình ảnh tuổi trẻ Cà Mau

Thay vì nuôi hàu lồng, chi phí cao, anh Nguyễn K Hai có sáng kiến nuôi hàu dây trong vuông tôm. Mô hình hiện đang được anh thử nghiệm và mang lại hiệu quả.

Từ trung tâm xã, cùng các anh em Xã Đoàn vượt sông Tam Giang bằng phương tiện thủy, mất khoảng 20 phút đến nhà anh Nguyễn K Hai. Ngôi nhà được xây dựng khang trang và còn khá mới, nổi bật giữa rừng đước mênh mông, bạt ngàn. Chúng tôi vừa tham quan mô hình trồng rau màu, cây ăn trái, nuôi hàu dây trong vuông tôm, nuôi cá nước ngọt quanh nhà vừa nghe người nông dân trẻ kể chuyện làm giàu, chúng tôi càng thêm mến phục ý chí của anh.

Nhìn cơ ngơi trên 10ha đất vuông, ngôi nhà khang trang được cất cách đây vài năm trị giá hơn 600 triệu đồng, không ai nghĩ chủ nhân của nó thuộc thế hệ 8X. Anh K Hai chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp: “Ban đầu chỉ có gần 0,2ha đất vuông, để có được kết quả như hôm nay, gia đình từng trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, cũng như trong lao động sản xuất kể cả những khó khăn thách thức ban đầu trong quá trình tập hợp, vận động ĐVTN tham gia tổ chức Đoàn”.

Đoàn viên thanh niên Chi đoàn ấp tham quan mô hình nuôi cá nước ngọt của anh K Hai.

“Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 và một năm thực hiện Chỉ thị số 05, trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình mới và cách làm hay của các tập thể và cá nhân. Minh chứng cho sự chuyển biến từ nhận thức đến “làm theo”, toàn tỉnh đã có 2.996 tập thể và 4.587 cá nhân được biểu dương, khen thưởng. Mỗi tập thể, cá nhân ở vị trí, lĩnh vực công tác khác nhau: Từ những người nông dân, cựu chiến binh trực tiếp sản xuất, cán bộ công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang…, đều có điểm chung đó là: Học tập Bác bằng những hành động và việc làm cụ thể, gắn với chức trách, nhiệm vụ của mình. Đối với tuổi trẻ tỉnh nhà, để góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện chỉ thị, Đoàn Thanh niên các cấp đã tổ chức cho cán bộ Đoàn, ĐVTN đăng ký cam kết thực hiện học tập và làm theo lời Bác với từng nội dung, việc làm cụ thể; đây cũng là một trong những thành tố quan trọng để đánh giá và xếp loại đoàn viên hằng năm. Từ đó, các cấp bộ Đoàn và tuổi trẻ tỉnh nhà thực hiện khá tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả được triển khai thực hiện, nổi bật như: Mô hình “Ngôi nhà 100 đồng”; Quỹ giúp nhau lập nghiệp; các diễn đàn, hội thảo “Thanh niên làm theo lời Bác”; xây dựng tủ sách “Học tập và làm theo lời Bác”… Đặc biệt, tích cực học tập và làm theo lời Bác, trong thời gian gần đây phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp ở các địa phương có nhiều khởi sắc. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên điển hình tiên tiến với nhiều mô hình phát triển kinh tế sáng tạo, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Trong năm 2016, Cà Mau vinh dự khi có 4 cá nhân thanh niên được tuyên dương thanh niên tiên tiến học tập và làm theo lời Bác toàn quốc, do Trung ương Đoàn tổ chức…”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Văn Tý cho biết.

Năm 2009, K Hai được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn, khi ấy chi đoàn chỉ có 8 ĐVTN. Theo lời anh kể, với điều kiện đặc thù của địa phương, người dân chủ yếu thu nhập từ nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên sông; tuy nhiên, những năm 2007 – 2010, thời tiết vùng này khá khắc nghiệt, môi trường ô nhiễm nên kinh tế gia đình anh cũng như nhiều gia đình ĐVTN trong ấp gặp nhiều khó khăn, thậm chí có một số người chọn cách rời địa phương đi làm ăn xa. “Trong lúc khó khăn quá, tôi cũng từng có ý định “thôi chức”, đi làm công nhân để có thu nhập lo cho gia đình. Nhưng nghe anh em bảo rằng: “K Hai nghỉ công tác Đoàn thì tụi này cũng bỏ, không tham gia sinh hoạt nữa”, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, thay vì đi làm ăn xa thì mình nên nghĩ giải pháp cứu bản thân và níu chân ĐVTN ở lại địa phương lập nghiệp, cùng làm giàu trên mảnh đất quê hương”, anh nhớ lại.

Trong “cái khó ló cái khôn”, K Hai nhớ đến người bác ở huyện Ngọc Hiển cũng sống ở vùng đất mặn, ngoài thu nhập chính từ vuông tôm, vẫn có nguồn thu nhập đáng kể nhờ mô hình trồng rau màu, cây ăn trái trên bờ vuông, kết hợp đào ao nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi gia súc gia cầm. Nghĩ vậy, anh tiên phong thử nghiệm mô hình trên phần đất của gia đình. Thấy có hiệu quả, anh đề xuất ý tưởng vận động góp vốn trong ĐVTN Chi đoàn, tạo vốn ban đầu giúp ĐVTN xây dựng các mô hình, như: Nuôi cá nước ngọt; kế đến là tận dụng bờ vuông, đất trống trồng hoa màu, cây ăn trái; chăn nuôi gia súc gia cầm, vèo tôm – cua giống… Với phương châm đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong quá trình xây dựng và thực hiện mô hình, lấy ngắn nuôi dài, các mô hình của ĐVTN trong Chi đoàn phát huy hiệu quả. Ban đầu, với 8 ĐVTN đa phần thuộc diện nghèo, khó khăn, nay anh em đã vươn lên thoát nghèo; số thanh niên tình nguyện xin được tham gia sinh hoạt Đoàn tăng lên, nâng tổng số đoàn viên Chi đoàn đến nay là 31 người, trong đó chỉ còn 2 đoàn viên nghèo do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đất sản xuất và gia đình có thành viên mắc bệnh hiểm nghèo.

Anh Bùi Văn Tư, trước đây từng là hộ nghèo, không đất sản xuất, cũng không có phương tiện mưu sinh. Thấy vậy, anh K Hai đã vận động anh Tư tham gia sinh hoạt Đoàn, động viên và tìm kế giúp anh vươn lên. K Hai bàn cùng Ban Chấp hành Xã Đoàn tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để ĐVTN nghèo được vay vốn sản xuất. Từ đó, được tín chấp vay 30 triệu đồng, anh Tư đầu tư sắm vỏ máy, mua lưới giăng cá đối, chăn nuôi gia cầm… Đến năm 2015, gia đình chính thức làm đơn xin thoát nghèo; không những vậy, hiện nay anh Tư trở thành một trong những đoàn viên khá giàu và góp phần vận động nhiều ĐVTN khác tham gia sinh hoạt Đoàn.

Chưa dừng lại ở đó, tính tiên phong gương mẫu trong thực hiện các phong trào, phát huy sáng kiến trong lao động sản xuất, đổi mới công tác quản lý mô hình, phong cách làm việc của Bí thư Đoàn Nguyễn K Hai còn thể hiện qua nhiều việc làm cụ thể.

Anh Huỳnh Ba Phiên, Bí thư Xã Đoàn Tam Giang, chia sẻ: “Có thể nói, công lớn nhất của K Hai là đã xây dựng được nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, tạo công ăn việc làm để thanh niên địa phương ổn định cuộc sống, hạn chế tối đa việc rời quê đi làm ăn xa. Đặc biệt, ngay thời điểm khó khăn nhất, anh kịp thời đưa ra những sáng kiến hay, hiệu quả và mạnh dạn chia sẻ, đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng”.

Vốn là ngay thời điểm mô hình nuôi tôm truyền thống không hiệu quả, tôm chết kéo dài, anh K Hai cho rằng: “Sẽ không thể làm giàu, nếu cứ bám phương thức sản xuất truyền thống”, nên anh đã chủ động nghiên cứu ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nuôi tôm – cua kết hợp, chủ động đề xuất thành lập Tổ hợp tác (THT) sản xuất nuôi tôm – cua, vận động ĐVTN cùng tham gia. Với vai trò Tổ trưởng THT có 20 thành viên, anh xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể: Cần nguồn vốn bao nhiêu? Triển khai mô hình với cây, con gì? Đầu ra cho sản phẩm? Dự kiến hiệu quả ra sao?… Sau đó trình Ban Chấp hành Xã Đoàn, Đoàn cấp trên và được xem xét hỗ trợ 100 triệu đồng, tạo vốn ban đầu để THT triển khai thực hiện các mô hình.

Trong quá trình thực hiện, K Hai luôn kiểm tra, đôn đốc các thành viên trong tổ tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập. Tính đến nay đã hơn 5 năm đi vào hoạt động, THT vẫn hoạt động hiệu quả, với tổng doanh thu hằng năm khoảng 1,8 tỷ đồng; trừ chi phí thả giống, cải tạo, còn lãi 1,1 tỷ đồng. Từ đó đến nay đã giúp khoảng 30% ĐVTN trong Chi đoàn vươn lên khá, giàu; góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Bản thân thủ lĩnh Đoàn – Nguyễn K Hai, hằng năm thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ nuôi cá nước ngọt, nuôi hàu dây trong vuông tôm (sáng kiến của anh), chăn nuôi gia súc gia cầm, vèo tôm – cua giống và nuôi tôm – cua kết hợp…

Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Năm Căn lần thứ V, nhiệm kỳ 2014 – 2019, chị Phan Thị Trang Phượng, Bí thư Huyện Đoàn, đánh giá cao hoạt động của Chi đoàn ấp Nhà Hội, nhất là việc triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn “Quỹ Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp” tại THT nuôi tôm cua của ấp do Nguyễn K Hai làm tổ trưởng. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc và tổ chức cho các chi đoàn cơ sở trong huyện có cơ hội tham quan, học tập, nhân rộng mô hình.

“Bản thân Nguyễn K Hai là một đảng viên trẻ, Bí thư Đoàn cơ sở tiêu biểu, gương mẫu trong mọi hoạt động, là nhân tố tích cực tạo sức lan tỏa các phong trào Đoàn, nhất là phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trong đoàn viên, thanh niên”, chị Phượng nhận xét.

Anh Nguyễn K Hai vinh dự là một trong những gương mặt tiêu biểu của tuổi trẻ tỉnh Cà Mau được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2015 – phần thưởng cao quý của tổ chức Đoàn dành cho nhà nông trẻ xuất sắc; và là gương mặt tiêu biểu được tuyên dương “Thanh niên tiên tiến học tập và làm theo lời Bác” toàn quốc do Trung ương Đoàn tổ chức năm 2016.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *