Dư nợ tín dụng chính sách bình quân 21,7 triệu đồng/hộ

Thông tin trên được nêu tại cuộc họp Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quý II và đề ra phương hướng hoạt động quý III năm 2020, vào chiều ngày 21/7. Chủ trì có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng, Trưởng ban Đại diện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng phát biểu chỉ đạo.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tổng nguồn vốn đến ngày 30/6/2020 đạt 2.817.688 triệu đồng, tăng 100.372 triệu đồng, tỷ lệ tăng trưởng 4,05% so với thời điểm ngày 31/12/2019, đạt 95,31% kế hoạch tổng nguồn vốn, đạt 37% kế hoạch tăng trưởng. Tổng dư nợ là 2.622.028 triệu đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp các hộ vay có vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ…, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống, từ đó góp phần vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã đến 100% xã, phường, thị trấn, khóm, ấp trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hạn hán nên người dân bị thiệt hại lớn, thu nhập không ổn định, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, là bộ phận hộ yếu thế trong xã hội, dẫn đến nhiều khó khăn về chất lượng tín dụng.

Một số chương trình cho vay hết hạn gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ như cho vay nhà ở theo Quyết định số 167, cho vay dân tộc thiểu số hết hạn. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 28 xã khó khăn thuộc vùng II vùng dân tộc theo Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khi được công nhận nông thôn mới thì không còn thụ hưởng chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, phải thu hồi nợ số tiền trên 234 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu và nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng đề nghị Ban Đại diện Hội đồng quản trị các cấp thực hiện kiểm tra giám sát theo chương trình, kế hoạch năm 2020. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ; phối hợp các hội đoàn thể nhận ủy thác kiểm tra cơ sở, hộ vay về nguồn vốn ủy thác.

Bên cạnh đó, cần quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, nhất là tập trung xử lý, củng cố những Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động yếu kém, nợ quá hạn cao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *